“Nhà báo không phải chỉ kiếm sống. Báo chí có sứ mạng đánh thức xã hội và nhà báo như một trí thức, luôn đau đáu trước cuộc đời này”. Ðó là quan niệm làm nghề của nhà báo Nguyễn Hàng Tình, tác giả cuốn sách Giã biệt hoang vu viết về “một Tây Nguyên hoang sơ đã và đang bị lột trần đến đớn đau, trần trụi”.
. Kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm báo của anh?
+ Có lần tôi viết bài “Xuống núi ăn mày” nói về bà con vùng cao khó khăn phải đi ăn xin. Sau đó, do áp lực, tờ báo nọ tự động cải chính rồi ép tôi phải nhận đã viết sai vì… không nên nói đồng bào rơi vào cảnh này cảnh kia. Tôi kiên quyết không nhận. Bắt tôi nói khác sự thật thì tôi không chịu.
Sứ mạng người cầm bút
. Ðó là lý do khiến anh rời tờ báo nọ?
+ Không, chuyện đó xảy ra lâu rồi. Nhưng tôi muốn nói đến cái sai lầm trong quan niệm nghề nghiệp của không ít người. Không nên biến người cầm bút thành nhân viên bởi họ là những trí thức phối hợp với nhau, phối hợp với những trí thức khác để mang thông tin đến cho đời sống.
Làm báo là chuyện hợp tác của những người trí thức. Làm báo là sứ mạng chứ không phải chỉ để mưu sinh đâu. Một khi anh không bày tỏ được tiếng lòng của dân thì vai trò báo chí của anh cũng bị mất.
. Ðã là công việc tập thể thì nhà báo đâu thể tách rời khỏi tôn chỉ, mục đích của tờ báo đó?
+ Những cái tôi viết ra xưa nay toàn theo ý mình. Tất cả những gì tôi viết là do tôi thấy mình cần phải viết, sự thật nó diễn ra trong đời sống. Tôi chưa bao giờ viết báo cáo tuần, nhưng như thế không có nghĩa là tôi làm việc không có kế hoạch. Tôi là một thằng cầm bút có trách nhiệm, tôi viết những cái tôi thấy, những điều tôi nghĩ và những việc tôi yêu. Tôi thỏa thuận với tòa soạn là phải có niềm tin khi làm việc với tôi và khi đã tin thì tôi không để họ thất vọng.
. Vậy vì sao anh rời khỏi một tờ báo lớn, nơi anh từng yêu thích và gắn bó?
+ Tôi vẫn đang cầm bút mà, vẫn viết bình thường, thậm chí còn viết mê đắm hơn nữa. Chỉ có cái giờ tôi không là nhân viên làm báo, không là nhân viên của ai, không chịu sự chi phối, ràng buộc của bất kỳ người nào. Tôi muốn làm việc tự do để thỏa sức viết trọn những điều mình thấy, những cái mình nghĩ…
. Có phải vì vậy mà đến giờ, khi đã qua tuổi 40, anh vẫn chưa lập gia đình để thỏa sức tự do?
+ Tôi cứ thuận theo tự nhiên, biết đâu đùng một cái tôi cũng bày đặt có vợ rồi sinh con. Mình cũng là con người mà, thiên nhiên còn mê đắm như thế huống gì là con người, mà lại là phụ nữ (cười).
Tây Nguyên hoang sơ ngày nào giờ là Tây Nguyên trụi trần, lõa thể. Ảnh: N.H.T
Bức tranh rạn vỡ
Một trong những đề tài anh đau đáu trong Giã biệt hoang vu là chuyện chặn dòng sông, suối Tây Nguyên làm thủy điện dày đặc. Có vẻ những cảnh báo về hậu quả trước đây của anh giờ đã hiển hiện nhãn tiền?
+ Anh gieo gì thì gặt nấy thôi, luật nhân quả vậy mà. Hậu quả của việc cứ tự ý chặn sông, chặn suối, mạnh ai nấy làm theo cảm tính… là bây giờ vùng đồng bằng thiếu nước vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa, thậm chí cả Tây Nguyên cũng thiếu nước.
Tài nguyên nước đâu chỉ sinh lợi cho thủy điện mà còn phục vụ cho cả nền nông nghiệp, cho cà phê, hoa màu, la-ghim và cả du lịch nữa… Ðó là chưa nói nước còn là vấn đề sống còn, tác động dữ dội vào môi trường sinh thái, vào không gian văn hóa, vào tổ chức đời sống cộng đồng. Xin hỏi đã có kịch bản nào cho vấn đề nước chưa? Xin hỏi Bộ NN&PTNT ở đâu khi Bộ Công thương cho phát triển thủy điện ồ ạt như vậy?
. Làm ồ ạt theo cảm tính hay theo lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm?
+ Cả hai. Nhưng lợi ích cục bộ được dung dưỡng, qua truông bởi cảm tính. Mà cảm tính lại chủ yếu xuất phát từ sự ít hiểu biết và cả thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm. Có thể ban đầu anh không hình dung vì ít hiểu biết, nhưng giờ anh biết rồi anh có dám làm khác đi không?
Ðến giờ này, có thể nói ta chưa hề có quy hoạch chiến lược về thủy điện, về tài nguyên nước cho mọi ngành nghề kinh tế ở Tây Nguyên. Có chăng chỉ có đánh giá tác động môi trường cho từng công trình thủy điện, mà đánh giá nhiều khi cũng gian dối nữa chứ. Người ta cứ nghĩ cái đánh giá tác động môi trường riêng lẻ ấy là bùa hộ mệnh cho từng công trình được phép xây dựng mà quên đi sự tác động đến môi trường tổng thể chung của toàn vùng, toàn miền, không chỉ ở Tây Nguyên. Cho nên, bạn thấy đấy, môi trường Tây Nguyên giờ đã bị rạn vỡ, tạo ra hiểm họa khôn lường. Ðó là phát triển hay là hủy hoại, là bước tiến hay bước lùi?
Từ trước năm 2000, khi cầm bản quy hoạch thủy điện trên tay tôi đã cảm nhận quá bất thường. Nói quy hoạch chứ thật ra đó chỉ là cái bản chỉ dẫn những nơi có thể làm thủy điện, những nơi thủy điện đã “xí phần”. Nhiều vô số kể. Kon Tum thôi đã mấy chục cái, Ðắk Lắk cũng sáu, bảy chục cái, rồi Gia Lai, Lâm Ðồng cũng thế…
Với những đoàn xe chở gỗ rừng thế này, còn gì là thiên nhiên nguyên sinh chở che cho thân phận bé mọn của con người. Ảnh: N.H.T
Phát triển chênh vênh
. Trong Giã biệt hoang vu, anh nói Tây Nguyên giờ đã bị lột trần…
+ Hệ thống sông lớn đã làm hết rồi, giờ đến các chi lưu của nó, thậm chí tới suối lớn, suối nhỏ cũng chặn dòng làm thủy điện tất tần tật như thế thì nước mạch nào còn, rừng nào còn. Những năm 1980, Tây Nguyên còn gần 4 triệu hecta rừng, giờ mỗi năm mất 25 ngàn hecta rừng. Trong đó, có cái mất do “tự phát”, có cái mất do chủ trương khai hoang (trước đây) để… trồng rừng, do chủ trương khai thác gỗ. Như thế thì còn gì nữa!
Từ thủy điện cho đến khai thác rừng đều na ná nhau cả. Hầu như chỉ khai thác bằng cảm tính, không có cái nhìn dài hạn, không có quy hoạch gì cả. Phải biết chặt bao nhiêu cây là vừa, giữ lại bao nhiêu để duy trì nguồn nước, để bảo vệ sinh thái… Tây Nguyên giờ chỉ còn 1,7 triệu hecta rừng. Mà với cái đà này thì chẳng bao lâu nữa sẽ mất hết rừng. Rừng mà không còn thì lấy đâu ra nước để chạy thủy điện, để tưới tiêu cho nông nghiệp!
. Trên bước đường phát triển, tránh sao được những chuyện như thế?
+ Bạn hỏi là để phản đối tôi hay hỏi theo cách khác?
. Tôi muốn nói về cái giá của sự phát triển…
+ Phải nói là chúng ta phát triển quá bừa bãi, quá cẩu thả, phát triển như thế chẳng khác nào phá hủy. Phát triển mà không tổn hại đến tương lai mới là phát triển bền vững, còn bây giờ ăn vào cái gì là tổn hại tới cái đó. Quy hoạch cây cà phê thì tràn lan, không đủ nước tưới, khoan giếng lấy nước ngầm đến hàng trăm thước mà vẫn không có nước. Ðắk Lắk có 220 ngàn hecta cà phê trong khi nước tưới chỉ đảm bảo chừng 150 ngàn hecta.
Cho nên, nói quy hoạch cho oai chứ thật ra chả quy hoạch gì ráo trọi, có chăng chỉ là những chỉ tiêu pháp lệnh về con số, năm nay phát triển bao nhiêu, mở rộng bao nhiêu. Rồi thì cứ thế dựa vào số liệu báo cáo hằng năm mà tổng kết, mà báo cáo. Chính vì cái kiểu làm quy hoạch như vậy mà chúng ta có biển rộng như thế mà phải nhập muối; không đủ năng lượng nhưng than đào lên cứ bán cái đã; đất nước sản xuất 9 triệu tấn lương thực nhưng thức ăn chăn nuôi phải nhập từ nước ngoài, trong khi ta chỉ xuất hàng thô. Nói chung mọi thứ đều không căn cơ, đều hết sức manh mún.
Cho nên, một đất nước có đến 70% dân làm nông nghiệp, một nền quốc nông phát triển lâu đời mà không thể nào cường tráng được là vì vậy.
Con người bùi nhùi trước thiên nhiên lõa thể
. Câu chuyện người dân đổ xô đi kiện con voi trongGiã biệt hoang vu khiến người đọc phải bật cười, cười mà đau, mà xót xa không chỉ cho thân phận con voi. Chuyện đó có thật không?
+ Thật 100%, ở Ðạ Huoai, Lâm Ðồng. Ðó là sự bất lực của con người. Một khi không gian sinh tồn cuối cùng của con voi cũng đã bị con người can thiệp, tàn phá thì nó chỉ còn biết trút sự giận dữ vào con người. Ðó là phản ứng tự nhiên, là sự chòi đạp cuối cùng để cạnh tranh không gian sinh tồn. Nhưng liệu sự chòi đạp ấy sẽ kéo dài được bao lâu? Về phần con người, ngay cả chính quyền xã, huyện, tỉnh cũng không giải quyết được. Nếu di dời voi thì di dời đến đâu? Nơi nào còn rừng xanh núi thẳm để nó sinh sống an toàn? Hay cuối cùng nó chịu chung số phận với con tê giác cuối cùng trong rừng Nam Cát Tiên?
Cho nên, chuyện người kiện voi là sự ánh xạ cho cái chúng ta đã gây ra. Ðó là một cái vòng luẩn quẩn đang diễn ra - một mớ bùi nhùi, số phận con voi cũng bùi nhùi mà chúng ta cũng bùi nhùi, một hậu quả bùi nhùi do chính con người tạo nên bởi bàn tay can thiệp thô bạo của mình.
. Thế thì cái hoang vu đã mất rồi chứ còn nữa đâu để mà giã biệt?
+ Hành động của con voi chính là ngôn ngữ, là cảm xúc của nó. Nó vô đạp lò nấu đường, nó phá banh xe ép mía, nó giẫm nát hoa màu xong là quay đít đi vào rừng. Tôi không còn chỗ nào khác, nếu tôi đồng ngôn ngữ với quý vị tôi sẽ thốt lên từ “giã biệt”, giã biệt đời sống hoang dã đã mất, giã biệt hoang vu.
Thật ra nói giã biệt hoang vu chứ hoang vu đã hết chỗ rồi, chỉ còn con người nữa thôi. Thế giới là của muôn loài nhưng con người dường như đã cưỡng bức muôn loài gần như tuyệt đối. Mọi ngóc ngách con người đều can thiệp, đều thọc sâu vào, đều móc hết lên, đều cạo trọc sạch và lột trần nó ra. Các loài khác dồn lại ở vài nơi lổm chổm, ngộp thở may mắn còn sót lại, gọi là khu bảo tồn thiên nhiên, đại diện cho một Tây Nguyên mênh mông ngút ngàn với 55 ngàn cây số vuông. Nhưng sự may mắn ấy giờ vẫn đang đối mặt với sự đe dọa của con người, vì con người còn muốn cạo trọc, muốn lột trần cho bằng hết. Thì đấy, chẳng phải người ta đã hăm dọa làm thủy điện ở Nam Cát Tiên, ở Chư Yang Sin hay mở đường đâm vô Vườn quốc gia Yok Ðôn là gì!
Tây Nguyên xưa kia là hùng vĩ, là núi non điệp trùng, là rừng rú bao la, ngút ngàn. Ta gọi là Ðại ngàn mà. Con người sống trong thiên nhiên đó gọi là huyền bí. Những cộng đồng sống rất an lành, văn hóa và nhịp sống của họ là huyền bí vì nó thuần khiết theo tự nhiên. Vậy mà giờ nó đã bị lột trần ra. Thử hỏi có con sông nào, có cánh rừng nào, cái khe, cái suối nào mà bước chân con người không đạp tới, không giẫm nát? Không giã biệt hoang vu thì là gì? Tây Nguyên hùng vĩ đâu rồi? Ðại ngàn đâu rồi? Giờ đây, tất cả đều lõa thể hết.
Tăng trưởng và hủy diệt
. Liệu con người có sung túc và an lành mà không cần thọc tay vào thiên nhiên như thế không?
+ Nếu biết quý trọng, biết khai thác hợp lý thì ta vẫn sung túc, an lành. Muốn vậy ta phải tính đến bài toán phát triển. Nếu phát triển mà biết dựa trên nền tảng của sự hiểu biết thì con người vẫn có lúa gạo để ăn, cà phê để bán, vẫn có xe cộ để đi, vẫn được chăm sóc y tế đàng hoàng, vẫn được đến trường đầy đủ. Chỉ số hạnh phúc là tổng hòa tất cả, là mục đích nhắm đến của phát triển chứ không phải chấp nhận đánh đổi để có sự tăng trưởng. Anh có thể đánh đổi một dòng sông, san bằng một vùng thảo nguyên để xây dựng khu công nghiệp. Nhưng phát triển đúng nghĩa, phát triển bền vững là phải mang lại hạnh phúc. Còn kiểu tăng trưởng mang lại sự xáo trộn, sự rạn vỡ cộng đồng, sự hủy hoại của thiên nhiên, sự bấp bênh trong cảm xúc sống thì chỉ đi liền với sự hủy diệt.
. Anh có thẩy nản trong hành trình cảnh báo của mình không?
+ Tôi thấy họ ngày càng nhận ra đó chứ, dù sự dịch chuyển có hơi chậm. Nhưng dù sao tôi muốn mọi sự vận hành phải xuất phát từ tầm nhìn hơn là để hậu quả xảy ra rồi mới ăn năn, thức tỉnh. Tầm nhìn quý báu hơn sự ăn năn, nó hướng con người ta làm đúng, còn sự ăn năn chẳng qua chỉ là hối cải của đạo đức. Bởi một khi để hậu quả xảy ra rồi mới thức tỉnh thì chưa chắc đã gỡ ra được. Câu chuyện thủy điện là một ví dụ.
. Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
NGÔ BÌNH – MINH CƯỜNG
Vẫn còn đó hồn xưa Đà Lạt . Theo anh, Đà Lạt bây giờ còn gì, mất gì so với thuở ban sơ? + Đà Lạt nằm trong Tây Nguyên, sự rạn vỡ của Tây Nguyên dĩ nhiên làm cho Đà Lạt cũng phải xê dịch theo hướng đó. Đà Lạt trước đây là rừng thông, là thiên nhiên và con người, còn bây giờ Đà Lạt chỉ là con người và một chút vật vờ của thiên nhiên. Ngày xưa con người trú ẩn dưới thiên nhiên, phố trong rừng, rừng trong phố, còn bây giờ con người đứng trên thiên nhiên, nóc nhà nhô cao, phố chỉ còn lại chút ít rừng. . Khi thiên nhiên bị “bẩy” ra khỏi Đà Lạt, con người Đà Lạt thế nào? + Đà Lạt là thành phố duy nhất ở Việt Nam ra đời một cách bài bản, có ngày sinh tháng đẻ, có bản quy hoạch đàng hoàng. Đây là thành phố sinh thái nương tựa vào thiên nhiên mà hình thành, mà phát triển. Con người Đà Lạt ngày xưa nhờ mẹ thiên nhiên che chở nên khoan thai, đi không nhanh, ăn không nhanh, nói không hét, bước không vội, sống thanh bình, chan hòa với thiên nhiên một cách an nhiên, tĩnh tại, an lạc và hiền hòa, chân thật mà lịch thiệp, trí tuệ. Nhưng Đà Lạt bây giờ khi thiên nhiên thay đổi, dân số tăng lên ngoài ý chí của nhà cầm quyền thì rừng cũng teo tóp. Các cánh rừng thông đều được “gả bán”, được rào hết rồi. Nó không còn là phúc lợi của chung nữa, nó bị cát cứ, sở hữu với danh nghĩa là phát triển, với tên gọi là nhà đầu tư. Ngày xưa tôi thong thả lên đó học bài, lấy lá ngo trải cho cây dâu tây ra trái, còn giờ bước chân tự do của tôi đã bị ngăn chặn bởi những hàng rào khu du lịch, khu resort. Khi phố phường chật hẹp thì con người cũng chật hẹp. Trước đây làm gì có đua xe, đi chợ làm gì có nói thách, nên bạn trả giá là vô duyên. Giờ thì ngược lại. Chính người Đà Lạt cũng không hiểu vì sao họ thay đổi. Nhưng may mắn là ít nhiều Đà Lạt vẫn còn rừng, còn chút se lạnh, do con người chưa cưỡng bức hết. Vì vậy, cái tính khí của người Đà Lạt tuy có biến chuyển nhưng vẫn còn đó sự hiền hòa, điềm đạm và thanh lịch, cốt cách người Đà Lạt vẫn chưa mất hết đi sự thuần khiết ngày nào. . Tôi vẫn thấy còn đó sự hồn nhiên, hồn hậu của người Đà Lạt. Và anh cũng đã là người Đà Lạt rồi còn gì… + Hồn nhiên là cái cốt của con người, là cái khát khao lớn nhất của con người. Nó là cái đẹp và con người thường mê cái đó. Bạn thích một lời nói chân thật chứ không thích lời nói tinh khôn; tôi thích hành động chân thật chứ không phải hành động mang tính lý trí quá. Cái đẹp chẳng ai nỡ khước từ, không ai nỡ từ chối. Chính thiên nhiên ban tặng hồn nhiên cho loài người. Mọi thứ từ trong thiên nhiên mà ra. Sự chân thật cũng từ đó mà ra. Tôi sống vùng này đã gần 30 năm. Tôi gắn chặt với nó. “Muốn hiểu để mà yêu thì phải yêu để mà hiểu” - một người bản địa đã nói với tôi như thế. _________________________________________ Vài nét về nhà báo Nguyễn Hàng Tình
- Sinh năm 1973, quê quán Quảng Nam - Tốt nghiệp Văn chương Đại học Đà Lạt năm 1995 - Hiện sống và làm việc tại Đà Lạt - Trong cuốn Giã biệt hoang vu (tập hợp phần lớn những bài báo của mình), Nguyễn Hàng Tình viết lời đề tặng như sau: Tặng người phụ nữ đổ xăng ở Ngã ba Huế (Đà Nẵng). Người đàn bà hái dâu bên sông Thu và Chị bán gà ở cầu thang chợ Đà Lạt. Tác giả giải thích: Đó là hình bóng của những người phụ nữ cần lao, thiêng liêng mà anh rất yêu quý. |