Nắm cát thiêng liêng
Cát Hoàng Sa như thịt xương của Tổ quốc.
Trên chuyến tàu ra khơi vào những ngày cuối năm, ngư dân Võ Xuân Thạch (quê ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhắc bạn chài trên tàu nhớ ghé vào thăm đảo Cây (thuộc quần đảo Hoàng Sa) để xúc cát về thờ cúng ông bà tổ tiên.
Trong số 30 đảo và bãi ngầm ở quần đảo Hoàng Sa, đảo Cây nằm ở rìa phía đông nam. Từ đảo Cây men theo phía ngoài là ra đảo Đá Bắc, đi ngược vào là đến bãi Bình Sơn, đi xiên ra phía đông là đến đảo Phú Lâm, trung tâm của quần đảo Hoàng Sa (nơi Trung Quốc dựng nên cái được gọi là “thành phố Tam Sa”).
Nhiều hòn đảo ở Hoàng Sa được đặt tên theo các địa danh ở Quảng Ngãi. Như bãi Quảng Nghĩa là tên cũ của tỉnh Quảng Ngãi, chuyến nào ra khơi các ngư dân cũng thường hay ghé vào. Ngư dân lặn đêm thường lẻn vào sát đảo Xà Cừ là nơi có nhiều hải sâm.
Mỗi hòn đảo có một địa thế khác nhau, nhưng hòn đảo nào cũng có những rìa cát trắng xóa dưới ánh mặt trời. Vào những đêm tối trời, con tàu lặng lẽ đưa ông Thạch mạnh dạn áp gần sát đảo Phú Lâm để lặn bắt cá. Còn ở đảo Cây xa xôi, các ngư dân có thể cập thuyền vào giữa ban ngày.
51 tuổi, cuộc đời từng trải ngang dọc trên biển, ông Thạch cho rằng sống trong đời thì phải biết lưu lại điều gì cho con cháu mai sau. Tỉ mẩn từng hạt cát trắng mịn như được mài san hô trên tay, rồi nhúm từng nắm cát và khẽ khàng rắc vào lư hương, ông Thạch nói bằng giọng xúc động: “Ngày xưa ông bà tổ tiên mình ở Hoàng Sa. Nên giờ mình ra ngoải xúc cát về để tưởng nhớ ông bà trong ngày xuân. Với lại, mình mang cát về để nhắc nhở mấy đứa con cháu đừng quên Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Bịch cát của ông Thạch sau đó được mang đi chia cho bà con thôn xóm. Đi tới gia đình nào, ông Thạch cũng nhắc chừng: “Bà con nhận lấy nhúm cát này để không quên ông bà mình. Trên quần đảo Hoàng Sa, ông bà mình rất linh thiêng”.
Nắm cát trắng xóa mang vào đất liền, không lẫn một cọng rác. Ông Thạch cứ nhìn chăm chăm vào nắm cát vô tri, im lặng. Ông nhìn mà mường tượng ra âm thanh rì rào của sóng mài dũa từng hạt cát lăn lóc trên đảo xa. “Rất có thể, xương cốt các bậc tiền nhân đi lính Hoàng Sa còn lẫn trong nắm cát này đây…” - ông bất giác thì thầm.
Mỗi hạt cát Hoàng Sa là một phần xương thịt của dải đất Việt.
Nắm cát Hoàng Sa trên tay vợ chồng ông Thạch.
“Soi nước soi trời”…
Nhắc đến Hoàng Sa, trong ký ức của ông Thạch hiện lên đủ chuyện vui, buồn lẫn lộn. Trước đây ông Thạch từng là thuyền trưởng một chiếc tàu công suất lớn. Năm 2002, hạ thủy con tàu mang tên Võ Thân, nhưng đến năm 2003 thì trở thành người trắng tay vì chiếc tàu bị bắt giữ.
Trong một chuyến đi vào tháng 3-2003, tàu của ông Thạch đang hành nghề tại khu vực đảo Bạch Quy thì bị một tàu tuần tra của Trung Quốc ra bắt giữ. Các ngư dân và con tàu bị đưa về đảo Hải Nam. Ông Thạch đại diện chủ tàu nhận quyết định phạt tiền 70.000 nhân dân tệ.
Vợ ông Thạch nhận được điện thoại từ Hải Nam gọi về, bà cuống cuồng đi lo tiền nộp phạt. Vay chủ nậu và bà con hàng xóm, bà Hạnh gởi tiền qua Hải Nam để Trung Quốc thả tàu và các ngư dân trở về.
Tàu mới đóng, làm ăn chưa kịp lấy lại tiền đầu tư thì bị bắt, ông Thạch lâm cảnh sạt nghiệp. Thiếu nợ tùm lum, vợ chồng ông đành thế chấp con tàu cho chủ nậu để hoàn nợ bà con hàng xóm và quay trở lại cái thời đi bạn.
Ông Thạch đi bạn cho tàu ông Lê Vinh ở cùng địa phương. Thấy ông Thạch có nhiều kinh nghiệm, ông Vinh ở nhà lo hậu cần, giao hẳn tay lái cho ông Thạch và người em là Lê Tín đi ra khơi ngoài quần đảo Hoàng Sa đánh cá.
Quần đảo Hoàng Sa vào những đêm tối trời, con thuyền được ông Thạch cầm lái cứ lầm lũi ngang dọc, như thân phận của người dân chài vừa mưu sinh vừa chồng chất nỗi âu lo. Tàu của ông Lê Vinh “nổi tiếng” vì bị Trung Quốc bắt giữ đến bốn lần tại Hoàng Sa.
Sau đó, ông Thạch chuyển qua đi biển với tàu của ngư dân Trần Hiền ở cùng thôn. Kinh nghiệm “soi nước, soi trời để tìm cá” của ông Thạch đã tạo cho ông trở thành một lão ngư có uy tín trên con tàu với chục ngư dân.
Ngày 3-3-2012, các ngư dân trên tàu Trần Hiền đều nhất trí với ông Thạch là trước khi quay về đất liền, 11 anh em sẽ ghé vào đảo để đào cây mang về nhà trồng lưu niệm. Nhưng kế hoạch này đành hoãn lại, vì họ lại bị tàu tuần tra bắt giữ sống sượng!
Ân tình Hoàng Sa
“Cây Hoàng Sa” được ông Thạch chăm sóc hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, vợ ông Thạch, cho biết: “Cả năm chồng tôi ở ngoài khơi vùng biển Hoàng Sa. Từ nhỏ, lớn lên chồng tôi chỉ biết biển thôi. Đi biển về được mấy ngày rồi ổng lại tìm cách ra khơi. Về nhà, suốt ngày ổng cứ kể chuyện ngoài đảo”.
Trong những ngày đi biển, ông Thạch dặn dò vợ phải chăm sóc và tưới nước cho “cây Hoàng Sa” trồng trước nhà.
Trên một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thường có các loại cây như nhàu, dừa, phong ba. Trong một lần lên đảo, ông Thạch tìm thấy một loại cây có đặc điểm khác lạ. Vậy là ông hì hục đào, khiêng lên tàu để anh em đưa vào bờ. Không biết loại cây này là gì, ông mới lấy hai chữ “Hoàng Sa” đặt tên cho cây.
Cây Hoàng Sa hợp thổ nhưỡng với đất đảo Lý Sơn, chỉ trồng một thời gian, cây đã phát triển nhanh vùn vụt. Hàng xóm đến nhà chơi, ông dẫn ra giới thiệu kỷ vật đi biển là cây Hoàng Sa trồng trước nhà.
Đứng bên đảo Lý Sơn, nhìn sang hòn đảo Bé đang chấp chới, ẩn hiện trong gió xuân, ông Thạch cho biết: Quần đảo Hoàng Sa có nơi rất yên tĩnh, lên đảo hái trái nhàu, bắt cá mang về. Nhưng cũng có nơi đến gần thì phải ngó trước ngó sau, không thì lại bị tàu tuần tra xông ra bắt giữ.
Ông Thạch cho biết: “Trong số các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa, ông tổ của tôi là tộc Võ Xuân. Mình là con cháu nên phải nối gót cha ông bám lấy quần đảo Hoàng Sa”. Mùa nắng ra vùng biển Hoàng Sa, mùa đông về nhà, lại nhớ đảo đến quay quắt.
Trên huyện đảo Lý Sơn hôm nay, không ai không nhớ đến câu thơ được lưu truyền từ xa xưa: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”.
LÊ VĂN CHƯƠNG