Nước mắt khách thương hồ

1. Sinh thời, vào dịp cúng cơm ông nội tôi là ba tôi và những người chị của ông cứ nhắc đi nhắc lại cái bản quán miệt vườn mịt mờ như một chân trời xa lắc của họ, rồi rơm rớm nước mắt. Hồi trẻ, tôi lấy làm lạ ông bà nội tôi bồng bế về xứ Vĩnh Trạch (Bạc Liêu) này khai hoang dựng nghiệp lúc ba tôi mới năm tuổi, có biết gì quê cũ đâu vậy mà càng lớn tuổi, cái nỗi niềm của kẻ ly hương càng lớn dậy trong ông. Cho đến khi sắp qua đời, ba tôi bảo nơi “cố quận” vẫn còn một người bác ruột và những hòn máu họ Phan mà 70-80 năm rồi ông không về thăm họ một lần.

Ba tôi mất cách đây 15 năm, năm đó ông 78 tuổi. Các chị và người anh của ông thì kẻ trước người sau cũng lần lượt mất hết. Sau này cúng cơm ông nội, tôi không còn nghe ai nhắc gốc gác miệt vườn nữa. Cứ thế, thông tin về cội rễ cứ xa dần đến thăm thẳm.

Thế rồi, cách đây 10 ngày, thằng Quyến, cháu gọi tôi bằng chú điện thoại cho tôi rằng nó đã tìm ra bà con và quê gốc miệt vườn bằng một câu chuyện ngẫu nhiên lạ lẫm. Số là ở xóm thằng Quyến có con Măng, bà con xa với chúng tôi, có người anh rể tên Phận ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Có lần Phận nhậu với ông Hai Kiểng ở gần nhà, ông Hai Kiểng biết quê vợ Phận ở Vĩnh Trạch nên tâm sự rằng ông có bà con lưu lạc ở vùng Vĩnh Trạch cách đây 70-80 năm. Ðó là ông chú ông, tên Chín Khá. Ông nhờ Phận dò hỏi giùm. Phận điện thoại cho Măng nhờ hỏi tiếp. Từ đó thằng Quyến nhận được thông tin... Tôi bảo Quyến: “Mày hẹn một tuần nữa mình lên nhìn bà con”.

2. Bữa đi tôi rủ thêm thằng Ngọc, thằng Út là cháu của cô tôi và cả thằng Quyến. Chúng tôi đi đường Sóc Trăng lên Ðại Ngãi, qua phà Cù Lao Dung rồi đến huyện Cầu Kè. Mới lên phà đã gặp cha con ông già 80 tuổi đứng đón sẵn, đó là ông Hai Kiểng. Thật lạ, tình máu mủ có những điều rất khó nói. Gặp ông là tôi nhận ra ngay khuôn mặt của dòng họ, ông giống cô ruột thứ tư tôi như đúc. Chẳng cần hỏi han gì, chúng tôi lập tức nhận ra nhau.

Theo vai vế tôi gọi ông Hai Kiểng bằng anh. Hai Kiểng bảo cha mẹ chết lâu rồi, ông chỉ còn duy nhất một người dì là Sáu Tài (tôi gọi bằng cô) nay đã 86 tuổi. Cả tuần nay dì Sáu không ngủ, bà cứ hối Hai Kiểng “nhắn tụi nó lên để tao nhìn bà con một lần trước khi chết”.

Anh Hai Kiểng đưa chúng tôi về thăm cô Sáu cách đó hơn 20 cây số. Nhà cô Sáu Tài nhỏ và nghèo, nằm giữa một khu vườn cây ăn trái. Cô Sáu run rẩy bước ra nhìn mặt rồi nắm tay từng đứa cháu lần đầu tiên gặp mặt. Tôi xúc động nhìn gương mặt cô giống ba tôi và các cô tôi lắm. Cô Sáu ngồi khóc lặng lẽ, kể: Khoảng năm 1922, tại Trà Vinh nạn cào cào, châu chấu tàn phá hoa màu 2-3 năm liền, mùa màng thu hoạch được không đủ đóng thuế ruộng cho địa chủ, thuế thân cho nhà nước. Dân Trà Vinh lâm vào cảnh đói khổ chưa từng có, nhiều người phải ăn củ chuối thay cơm. Không biết bao nhiêu gia đình bỏ nhà cửa, lên ghe xuôi về vùng đất mới Hậu Giang hoang vu để khai khẩn. Anh em của tía cô cũng lên ghe, chở theo cha mẹ già xuôi dòng sông Hậu, xuống Ðại Ngãi, Cổ Cò rồi vào vùng Năm Căn (thuộc xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi ngày nay) để gặt mướn và tìm đất mới. Trong anh em của tía cô có một người con gái thứ ba rất đẹp, được ông cả Thi cưới làm vợ. Cả gia đình anh em ông nội tôi phải sống dựa dẫm người ta trong cảnh nghèo khó cơ cực, vì không có đất đai, lại thêm nỗi nhục dựa dẫm vào anh rể. Ông cả Thi là một đại điền chủ vùng Hưng Thành rất giàu có nhưng keo kiệt, đối xử với bên vợ không ra gì. Từ đó, cha của Hai Kiểng là ông bác Tám Cúc giận, quay về quê cũ, để lại vùng Bạc Liêu cha mẹ già và mấy anh em của ông.

Ba tôi từng kể rằng hồi về Vĩnh Trạch ông mới có 5 tuổi, ông nội tôi phải đóng cái chòi trên trảng ba cây mắm to cho các con ở vì sợ cọp ăn thịt, rồi ông dọn rừng thành mấy chục công đất trồng lúa sinh sống và trao lại chúng tôi đến tận bây giờ.

 

3. Trở lại câu chuyện của cô Sáu Tài. Khi ông bác Tám Cúc trở lại quê xưa thì đất đai, nhà cửa bị địa chủ lấy hết vì còn thiếu nợ họ. Ông phải đi làm thuê kiếm sống, rồi mướn ruộng khác che chòi lập nghiệp lại từ đầu. Ông có vợ rồi năm đứa con, sống trong cảnh nghèo khó, cô độc nơi quê cũ. Những năm 1940, giặc giã nổi lên, dân nghèo như ông bác Tám Cúc cực khổ vô cùng. Năm 1946, giặc Pháp từ Gò Công tiến vào đánh chiếm Trà Vĩnh, Cầu Kè, dân phải chạy giặc ly tán khắp nơi. Trước đó, nhà của ông bác Tám Cúc bị địa chủ xiết nợ, niêm phong, không cho mang bất cứ thứ gì ra khỏi nhà. Thế nên khi chạy giặc, nửa đêm ông bác Tám Cúc phải vào ăn cắp chính chiếc xuồng muôi kèm của mình để chở vợ con xuôi về phương Nam, định tìm về Bạc Liêu. Thế nhưng khi chèo đến Ðại Ngãi thì ông đổ bệnh nặng rồi qua đời. Vợ ông phải bửa chiếc xuồng ra để lấy ván xuồng đóng tạm cái hòm mà chôn ông chồng.

Cô Sáu Tài nói tía cô chết rồi, mẹ con cô lâm vào cảnh khốn nạn chưa từng thấy. Anh Hai Kiểng kể tiếp câu chuyện của cô Sáu Tài. Lúc đó anh Hai 10 tuổi nhưng vẫn còn nhớ sau khi ông bác Tám Cúc mất, đứa em trai 7 tuổi cũng bệnh mất theo. Lúc đó nghèo quá, em trai anh chết mà không có áo mặc. Cô Sáu Tài lúc đó 16 tuổi, vú móm nơ nơ đã cởi chiếc áo duy nhất mình đang mặc để cháu có tấm áo mà về với đất, còn cô thì phải trốn trong đống rơm.

Anh Hai Kiểng kể tới đó thì cô Sáu Tài khóc, anh Hai cũng khóc, còn ba đứa cháu tôi từ Bạc Liêu lên thì rơm rớm nước mắt. Riêng tôi, một niềm xót xa máu mủ chảy về tràn ngập trong huyết quản.

4. Chúng tôi ở xã Hòa Tân một ngày, dòng họ kéo đến rất đông, ai cũng mừng rỡ, nhậu với chúng tôi đến say bí tỉ. Khi chúng tôi về, ai cũng bẻ trái cây miệt vườn cho nhiều đến xe chở không nổi. Cô Sáu Tài thì lúc cười lúc khóc. Khi tôi về, cô lụm cụm lần vách bước ra ngạch cửa nhìn theo, trong hai hố mắt già nua chảy ra hai dòng lệ. Cô lắp bắp: “Mấy con về khỏe, khi cô qua đời ráng lên đây một lần nữa để dòng họ đừng phai nhạt. Cho cô gửi lời thăm hết bà con ở dưới. Cô già quá rồi, không có dịp về dưới nữa đâu…”.

* * *

Con đường “hành phương Nam” của dòng họ tôi cũng giống như đa số những dòng họ ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì nhiều lý do họ từ miền Trung vào Sài Gòn - Bến Nghé và phía bên kia sông Tiền để xây dựng cù lao phố và nền văn minh miệt vườn vang danh. Rồi một trăm năm sau họ vượt sông Tiền, sông Hậu để xây dựng Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau… xinh đẹp như hôm nay. Người bình dân gọi họ là bà con miệt vườn, là dân gặt mướn, còn những người dùng chữ nghĩa thì gọi là khách thương hồ. Dù tên gọi như thế nào thì họ cũng đã làm nên một vinh quang, một kỳ tích là làm cho đất nước thêm rộng, thêm dài bằng những bước chân nhỏ âm thầm, bằng nước mắt tưới dài theo đường đi. Ðó là khúc bi tráng ca, là công đức của cuộc đời hôm nay, là con đường của nhiều dòng họ quan tâm đến máu mủ lần về.

PHAN TRUNG NGHĨA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm