Cứ khoảng đầu tháng 10 âm lịch hằng năm, má tôi với má chồng lại điện thoại vào hỏi “đã đặt vé về tết chưa con?”. Từ thời điểm đó, tết đã rục rịch về với gia đình tôi rồi.
Nhà vốn đã vắng vì chỉ có hai chị em gái, đến chừng tôi vào Sài Gòn lập nghiệp lại càng vắng hơn. Vậy nên mỗi dịp tết đến, có tôi về cả nhà lại có dịp sum vầy, ấm áp hẳn ra. Rồi tôi lập gia đình, chuyện ăn tết cũng phải “xẻ làm hai” vừa nhà ngoại vừa nhà nội. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện luân phiên mỗi năm ăn tết một nhà. Nhưng cứ hình dung cái cảnh tết mà nhà mình vắng tanh, nhà chồng cũng vắng vẻ, chỉ có ông bà đi ra đi vào thì còn gì là tết. Vậy là 10 năm nay, năm nào chúng tôi cũng chọn cách “ăn tết hai quê”.
Bốn ngày trước giao thừa, chúng tôi đón tàu về Nha Trang, quê tôi. Dù biết đi máy bay nhanh và tiết kiệm thời gian hơn nhưng cả gia đình tôi vẫn thích đi tàu để thấm được cái cảm giác nôn nao của những đứa con xa nhà. Con tôi cũng sẽ cảm nhận được không khí tết của nhiều vùng miền nơi tàu đi qua…
Ảnh: HTD
Hồi tôi chưa lấy chồng, phải đến ngày 30 tháng Chạp nhà tôi mới cúng tất niên. Nhưng từ ngày theo chồng bỏ cuộc chơi, ba má tôi đổi lịch, cúng tất niên ngày 27 “để cho nó còn kịp về quê chồng”. Vậy là vào ngày này, nhà tôi rộn rịp khác hẳn các nhà trong xóm. Tiếng cười nói lao xao, tiếng xoong nồi, chén bát khua leng keng. Cả nhà quây quần quanh mâm cơm, chụp tấm ảnh làm kỷ niệm rồi mới nhập tiệc. Mâm cơm tất niên đầm ấm đến nôn nao…
Ngày hôm sau chúng tôi khăn gói về Đà Nẵng, quê chồng. Chưa kịp lên tàu, má chồng đã điện thoại dặn: “Trời lạnh lắm nghe, nhớ mặc áo ấm, mang vớ cho mấy đứa nhỏ”. Mà trời Đà Nẵng lạnh thiệt. Ai cũng xúng xính trong khăn choàng, áo bông.
Ngồi bên nồi bánh tét canh lửa, hít hà cái mùi thơm của lá chuối, của nếp cũng thấy ngọt ngào, ấm áp biết nhường nào.
Mang tiếng làm dâu nhưng do về vào dịp tết nên tôi không phải dọn dẹp nhà cửa gì nhiều. Chủ yếu rửa mấy cái chén, quét dọn nhà cửa, đặt vài chậu hoa bé bé xinh xinh rồi chở mấy nhóc về nhà cố ở Quảng Nam tặng quà. Ngồi bên nồi bánh tét canh lửa, hít hà cái mùi thơm của lá chuối, của nếp cũng thấy ngọt ngào, ấm áp biết nhường nào.
Chuẩn bị đón giao thừa, hai nhóc nhà tôi lại lăng xăng phụ bà nội bưng nước, hoa quả, bánh trái để bà xếp đặt, cúng giao thừa… Thời khắc giao thừa tới, từng chùm pháo hoa bay lên rực rỡ phía sông Hàn, cũng là lúc má tôi thắp hương khấn vái, cầu một năm mới yên lành. Phút giao thừa linh thiêng quyện trong khói hương trầm thơm ngát, giữa tiếng vỗ tay thích thú của hai nhóc mỗi khi thấy những chùm pháo hoa đủ màu sắc tung tóe giữa trời. Xuân đã về…
Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình, mà còn là dịp để tôi tìm lại dư vị quê hương qua các món ăn. Vậy nên, tết về quê là về tìm lại tô bánh canh chả cá, cái bánh căn trứng nóng hôi hổi, giòn rụm, cái bánh xèo nhỏ nhỏ đầy tôm, mực ở Nha Trang. Về để tìm lại tô mì quảng gà ở Điện Bàn hay tô bún chả cá ở Đà Nẵng cho đã cái cơn ghiền mấy tháng trời ở Sài Gòn thiếu thốn hương vị quê nhà.
Nghe tôi kể hành trình về quê ăn tết, có bạn lắc đầu, lè lưỡi bảo nghỉ tết có mấy ngày mà lặn lội đi tới những hai nơi chi cho cực. Nhưng với tôi, không có gì hạnh phúc bằng được về quê ăn tết. Về quê ăn tết, nghe sao mà ngọt ngào, nghe sao mà rạo rực, một niềm vui thật trẻ thơ.