Theo Reuters, trên trang Facebook hôm 3-4, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia thông báo đơn vị công binh Hải quân Mỹ có biệt danh Seabees đã rút khỏi Campuchia. Điều này đồng nghĩa với việc hủy bỏ 20 dự án đã được lên kế hoạch giữa Campuchia và Mỹ, trong đó có các dự án xây dựng bệnh viện và trường học.
“Tuần trước, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thông báo cho Đại sứ quán Mỹ về quyết định trì hoãn vô thời hạn chương trình Seabees. Chúng tôi rất buồn khi nhìn thấy Seabees phải rời Campuchia nhưng cũng lấy làm tự hào vì những thành tựu mà họ đạt được trong chín năm qua” - Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia cho biết trong thông cáo.
Các thành viên đội Seabees xây một phòng tắm ở Campuchia hồi năm 2014. Ảnh: seabeehf.org
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho biết ông không nắm được thông tin về một quyết định như vậy.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên đang hục hặc. Campuchia tìm cách lôi kéo Trung Quốc trong khi tỏ ra lạnh nhạt với Mỹ. Reuters cho biết mối quan hệ giữa Phnom Penh và Washington trở nên xấu đi bởi những lời chỉ trích của Mỹ về sự thay đổi pháp lý của Campuchia, cho phép chính phủ cấm các đảng phái chính trị.
Việc Phnom Penh yêu cầu Washington xóa khoản nợ 500 triệu USD từ thời chiến tranh trong những năm 1970 cũng là một nguyên nhân góp phần khiến quan hệ hai nước không êm thắm.
Hồi tháng 1, Campuchia đã đình chỉ cuộc tập trận chung với Mỹ, vốn sẽ được tổ chức vào tháng 6. Khi đó, chính quyền Campuchia cho rằng hủy cuộc tập trận chung với Mỹ vì nước này quá bận rộn cho cuộc bầu cử. Phnom Penh cũng phủ nhận mọi liên quan tới Bắc Kinh.
Ông Carl Thayer, giáo sư tại ĐH New South Wales, Úc đánh giá sự cắt giảm liên kết giữa quân đội Mỹ và Campuchia sẽ là một thất bại cho chiến lược của Washington trong khu vực. Song ông cũng cho rằng Thủ tướng Campuchia Hun Sen cuối cùng cũng có thể nhận lấy thua thiệt. “Các hành động chống Mỹ của ông ấy (Hun Sen) sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc” - ông khẳng định.