Đồng bằng Sông Cửu Long, TP.HCM hợp tác tiêu thụ nông sản

Chiều 15-1, lãnh đạo TP.HCM và các doanh nghiệp (DN) TP đã đến làm việc với tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về kết nối tiêu thụ hàng hóa.  

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho  biết, khảo sát của đoàn DN TP.HCM ở Long An, Đồng Tháp trong hai ngày qua ghi nhận bước đầu nhu cầu của hai bên trong việc kết nối tiêu thụ nông sản.

Hội nghị kết nối năm nay có nhiều điểm mới như ngoài gặp gỡ giữa bên bán-bên mua, các nhu cầu đầu tư vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến sau thu hoạch, đầu tư cho logistics kể cả xây dựng thương hiệu, những khó khăn vướng mắc hai bên được trao đổi để cùng tháo gỡ và sẵn sàng hợp tác.

Hợp tác xã huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp hiện chỉ bán các loại cá điêu hồng, cá chép... qua thương lái. ẢNH: TÚ UYÊN

Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Giám đốc kinh doanh tiếp thị công ty chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, khi khảo sát vùng trồng Lai Vung, tiếp xúc với người trồng quýt hồng được biết chưa có thống nhất về giá cả cung cấp tết.

Tuy nhiên, theo thăm dò cho thấy hiện tại chợ Thủ Đức có cam canh phía Bắc tương tự quýt hồng đang vào mùa, quýt giống Thái cũng đang vào vụ. Trong khi đó, quýt hồng Lai Vung mùa vụ một năm chỉ có một lần cung cấp dịp tết.

“Chúng tôi khuyến thương nhân và nhà cung cấp nên đưa ra quyết định sớm, tránh để lỡ thời gian thiệt hại cho bà con” - ông Minh Phương nói.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã có sự liên kết chặt chẽ và mang tính truyền thống.

Tuy nhiên, chưa tương xứng với tiềm năng như kỳ vọng của lãnh đạo các tỉnh. Hầu như các tỉnh, DN đều có hướng đi riêng, hướng đến xuất khẩu là chính nên sự hợp liên kết chưa chặt chẽ.

Ông Nghĩa cho hay, Đồng Tháp mỗi năm xuất khẩu nông sản trên 1,1 tỉ USD, nếu không có dịch COVID-19 đạt 1,5 tỉ USD nhưng chuỗi cung ứng cho TP.HCM chỉ chiếm 10%-12%.

Đồng Tháp có những mặt hàng có lợi thế như gạo 70% xuất khẩu, 20% cung ứng cho TP.HCM, cá hầu như phục vụ 100% xuất khẩu. Các loại trái cây rau củ Đồng Tháp 70% phụ thuộc thị trường Trung Quốc và phần lớn xuất khẩu tươi qua tiểu ngạch, thị trường TP.HCM chỉ chiếm 2%-3%.

“Qua dich mới thấy rõ hơn tại sao chuỗi cung ứng miền Tây, TP.HCM, Đồng Tháp bị đứt gãy. Chúng ta khẳng định không thiếu nguồn cung nông sản nhưng do hệ thống phân phối không có sự gắn kết.

Đồng Tháp có lợi thế nông nghiệp nhưng chưa có kho lạnh, kho bảo quản, chưa có DN lớn để dẫn dắt đảm bảo cho sự phân phối ổn định. Chúng ta chưa có nhiều DN chế biến, chưa có một hệ thống phân phối chung của cả vùng” - ông Nghĩa nói.

Các hợp tác xã sản xuất trái cây huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp đang muốn kết nối đưa hàng vào hệ thống siêu thị TP.HCM. ẢNH: T.UYÊN

Theo ông Nghĩa, tỉnh rất mong muốn các DN TP.HCM “đặt hàng” với tỉnh, các DN cần những gì đơn vị sẽ sản xuất theo.

Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn để phát huy giá trị nông sản theo hướng đa giá trị, hỗ trợ tỉnh thực hiện thương mại điện tử, đào tạo nâng cao kỹ năng cho bà con thực hiện tốt xuất xứ nguồn gốc, truy xuất nguồn gốc… đảm bảo theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, diện tích trồng dừa của tỉnh hơn 70.000 ha, hơn 100 sản phẩm chế biến từ dừa, kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến xuất khẩu mà không nghĩ đến thị trường trong nước sẽ không giúp người nông dân sản xuất bền vững.

“Chúng tôi mong các DN TP.HCM giúp chia sẻ kinh nghiệm hướng người nông dân sản xuất ra mặt hàng nào người tiêu dùng cần đến, định hướng cao hơn là thị trường cần gì, mặt hàng nào tiêu thụ được nhiều… tránh tình trạng sản xuất xong rồi không biết bán ở đâu, người mua như thế nào…” - bà Nga nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm