Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi Thủ tướng đề án thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ngắn hạn linh hoạt. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng hiện nay BHXH tự nguyện thiếu hấp dẫn vì chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất. Nên đơn vị này đề xuất ba gói BHXH tự nguyện linh loạt, trong đó bổ sung thêm chế độ hưởng.
Ba gói bảo hiểm xã hội linh hoạt
Cụ thể, gói thứ nhất, ngoài quyền lợi hưởng hưu trí và tử tuất như quy định hiện hành, người lao động (NLĐ) có thêm quyền lợi về chế độ thai sản. Điều kiện là NLĐ phải đóng BHXH tự nguyện đủ một năm trở lên và không nhận BHXH một lần. Mức hưởng trợ cấp thai sản bằng bốn tháng thu nhập tối thiểu làm căn cứ tính đóng BHXH tự nguyện. Nếu NLĐ có năm tham gia trên một năm sẽ được tính cứ đóng thêm một năm được hưởng thêm một tháng, tối đa bằng sáu tháng mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ tính đóng BHXH tự nguyện.
Bộ LĐ-TB&XH dự tính nếu quy định này áp dụng, tổng số tiền chi trả chế độ thai sản sẽ lần lượt là 89 tỉ đồng vào năm 2020, 338 tỉ đồng vào năm 2025 và 893 tỉ đồng vào năm 2030.
“Gói BHXH này đáp ứng một phần nhu cầu trước mắt của NLĐ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, đơn vị cũng lo lắng khó có khả năng cân đối tài chính. Đặc biệt phát sinh trường hợp sau khi sinh con và hưởng chế độ sẽ không tiếp tục tham gia BHXH…” - Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.
Tương tự, gói thứ hai bổ sung chế độ ốm đau. Đối tượng hưởng là NLĐ bị ốm đau (có xác nhận của cơ sở y tế) và không được nhận BHXH một lần. Mức hưởng một ngày bằng 75% mức thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện tối thiểu chia cho 24. Thời gian hưởng theo xác nhận của cơ sở y tế, tối đa 30 ngày trong một năm.
Nếu áp dụng gói này, dự báo tổng số tiền chi trả chế độ ốm đau sẽ lần lượt là 58 tỉ đồng vào năm 2020, 218 tỉ đồng vào năm 2025 và 576 tỉ đồng vào năm 2030. “Ưu điểm của gói này đáp ứng một phần nhu cầu trước mắt của NLĐ khi gặp rủi ro ốm đau. Tuy nhiên, chỉ thu hút được một nhóm NLĐ có nhiều nguy cơ rủi ro bị ốm đau...” - Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Gói thứ ba là bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em. Theo đó, đối tượng hưởng là NLĐ đang tham gia BHXH tự nguyện và có con dưới sáu tuổi. Mức hưởng 350.000 đồng/con/tháng, cho đến khi con đủ sáu tuổi. Tỉ lệ đóng là 23,5% mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, 22% cho chế độ hưu trí, 1,5% cho trợ cấp gia đình/trẻ em.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nếu theo gói này, một người có con dưới sáu tuổi tham gia BHXH tự nguyện đóng vào quỹ bình quân là 27.000 đồng/tháng nhưng hưởng 350.000 đồng/tháng. Như vậy, còn thiếu 323.000 đồng/tháng. Nên phương án này khó bảo đảm cân đối tài chính, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thực hiện thí điểm các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt dựa vào ngân sách trung ương thông qua tinh giản biên chế (10% năm 2020, tiết kiệm được 6.000 tỉ đồng).
Người dân tìm hiểu để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: VIẾT LONG
Đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ
Về đề xuất trên, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng đây là vấn đề lớn nên Bộ LĐ-TB&XH cần phân tích, đánh giá tác động kỹ hơn đề xuất chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện hiện nay (10%-30% tùy đối tượng) sang chi trả các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản) trong gói BHXH tự nguyện. Điều này có thể làm giảm số người tham gia với kỳ vọng để hưởng chế độ hưu trí (là đối tượng tiềm năng và chiếm số đông), đồng thời chế độ hưu trí mới là mục tiêu lớn mà chính sách hướng tới.
“Riêng đối với gói BHXH tự nguyện bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em, đơn vị đề xuất bỏ, bởi vì sẽ làm giảm động lực của người tham gia ở độ tuổi trung niên dẫn đến nguy cơ giảm số người tham gia khi đây là nhóm tham gia tiềm năng nhất. Nếu chuyển chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em vào BHXH bắt buộc thì sẽ làm tăng gánh nặng đóng góp của người sử dụng lao động và NLĐ trong điều kiện mức đóng góp hiện nay của chúng ta khá cao…” - lãnh đạo BHXH Việt Nam góp ý.
Bên cạnh đó, BHXH cũng đề xuất tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các gói quyền lợi bổ sung chế độ thai sản/ốm đau để đề xuất phạm vi thí điểm phù hợp, vào thời điểm thích hợp khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cho phép… Đặc biệt, cần tính toán thêm về rủi ro trục lợi BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt.
Đồng tình, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần cân nhắc việc thay đổi hình thức hỗ trợ của Nhà nước. Vì việc hỗ trợ trực tiếp chỉ thu hút được một nhóm NLĐ thường xuyên bị ốm đau hoặc chỉ thu hút được phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Về những góp ý trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết ban soạn thảo đề án sẽ tiếp thu, nghiên cứu. “Để có cơ sở phân tích, đánh giá tác động cụ thể, toàn diện hơn, dự báo được chính xác số người tham gia, thụ hưởng và nguồn kinh phí cần thiết đảm bảo cho các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt theo đề nghị cần thiết phải có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện. Chính vì vậy chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng cho thời gian để tiếp tục nghiên cứu...” - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.
Chưa nên bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em Ban Kinh tế Trung ương nhận định việc bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em chưa phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. “Ngoài ra, đề án cần chỉ rõ mức ngân sách nhà nước hỗ trợ dự kiến cho thực hiện thí điểm và cân nhắc nhận định “không phát sinh tăng chi ngân sách”. Việc tinh giản biên chế 10% chưa thể coi là khoản bù để chi cho đề án. Đặc biệt phải đưa ra lộ trình thí điểm, chỉ rõ thời điểm đánh giá rút kinh nghiệm và định hướng…” - Ban Kinh tế Trung ương góp ý. Có thể đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện “Có thể tính đến việc quy định người tham gia BHXH tự nguyện đóng thêm (ngoài 22% cho chế độ hưu trí và tử tuất hiện nay) một tỉ lệ nhất định trên mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện để bảo đảm chi trả các chế độ ngắn hạn. Tuy nhiên, việc dự báo tài chính hiện nay chỉ mang tính ước theo giả định...” - Bộ LĐ-TB&XH. |