Ngày 21-6, bà Đinh Mai Hạnh, Phó trưởng Ban thu bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết tính đến ngày 31-5, toàn quốc có trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện. "Đây là con số khá khiêm tốn so với dư địa trên 30 triệu người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tiềm năng", bà Hạnh nhận định.
Hiện nay nhiều người lao động tự do chưa hiểu hết lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG
Theo bà Hạnh, khó khăn phát triển đối tượng BHXH tự nguyện là nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt rất khó quản lý. Nhóm này hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn, không ổn định, cố định về không gian, thời gian.
Bên cạnh đó, hiểu biết về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của nhiều người lao động chưa đầy đủ. Số đông chỉ quan tâm đến tiền lương, thu nhập hằng tháng và lợi ích trước mắt mà chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân về sau khi đã hết tuổi lao động.
Bà Hạnh khẳng định, để có lương hưu khi về già người lao động chỉ cần tiết kiệm chưa đến 5.000 đồng mỗi ngày. "Ví dụ người dân chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay là mức thu nhập chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn, bằng 700.000 đồng/tháng, tương ứng với mức đóng BHXH là 154.000 đồng/tháng. Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ bằng 10%, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo tính trên mức đóng 154.000 đồng/tháng.
Như vậy, một người chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm không đến 5.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện thì sau 20 năm đóng BHXH và khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ đã được hưởng lương hưu…”, bà Hạnh dẫn chứng.