Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết tỉnh đã đề nghị Viện Vật lý địa cầu cùng các cơ quan chức năng sớm có kết luận chính xác nguyên nhân động đất liên tiếp tại huyện Kon Plông.
Mong sớm có kết luận
Nhiều người lớn tuổi ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, cho biết vùng này bắt đầu xuất hiện nhiều cơn động đất từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Trong khi trước kia vùng này không hề có động đất.
“Người dân rất lo lắng càng vì động đất ngày càng có cường độ lớn, nguy hiểm. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm có kết luận nguyên nhân động đất, có giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho dân”- ông Nguyễn Văn Lại (ngụ thôn Vi Ring 2, xã Đăk Tăng) nói.
Theo ông Lê Đức Tín, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, năm 2022, Viện Vật lý địa cầu xác định động đất xảy ra ở Kon Plông là động đất kích thích do tích nước hồ thủy điện. Mới đây, Viện Vật lý địa cầu nhận định các trận động đất liên tiếp gần đây ở Kon Plông là động đất kích thích. Hiện chính quyền địa phương đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Sau trận động đất có cường độ mạnh vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum có văn bản chủ đầu tư các thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh, Đăk Re tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình động đất tương ứng mực nước dâng hồ thủy điện; báo cáo kết quả trước ngày 15-8 để sở tham mưu UBND tỉnh.
Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp.
Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thủy điện Thượng Kon Tum bởi động đất liên tục xảy ra sau khi thủy điện này tích nước từ năm 2021.
Trao đổi với PV, đại diện Tổng công ty Phát điện 3 (đơn vị liên kết với chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) nói: “Tổng công ty Phát điện 3 đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm có kết luận về nguyên nhân. Đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể nên chúng tôi không thể đưa ra ý kiến phủ nhận hoặc tự nhận lỗi được".
Theo ông Lê Như Nhất, Viện Vật lý địa cầu nhận định nguyên nhân là động đất kích thích, có khả năng thủy điện tích nước hồ chứa. Tuy nhiên, chưa xác định do hồ chứa nào tích nước gây ra.
"Cần sớm có kết luận cụ thể dựa trên cơ sở khoa học. Nếu động đất kích thích do tích nước gây ra, trách nhiệm của đơn vị nào thì đơn vị đó có trách nhiệm đền bù thiệt hại nếu có"- ông Nhất nói.
Động đất ngày một nhiều, mạnh thêm
Theo Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 đến 2020, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và lân cận ghi nhận 33 trận động đất từ 2,5 độ richter trở lên. Riêng năm 2021 có 114 trận động đất. Tính từ tháng 4-2021 đến năm 2023, ghi nhận trên 700 trận động đất và Viện này xác định là động đất kích thích.
Từ đầu năm 2024 đến nay có trên 230 trận động đất. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận có độ lớn 5.0 độ richter vào trưa 28-7, gây rung lắc nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Trong bốn ngày đầu tháng 8-2024 đã có 18 trận động đất được ghi nhận.
Theo Sở Công thương tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông có ba công trình thủy điện lớn. Số liệu tích nước ngày 28-7, hôm có trận động đất 5.0 richter như sau:
Thủy điện Thượng Kon Tum 1.142 m, ứng với dung tích hồ hơn 57 triệu m3 (mực nước dâng bình thường 1.160 m, ứng với dung tích 145 triệu m3).
Thủy điện Đăk Đrinh 402 m, ứng với 115 triệu m3 (mực nước dâng bình thường 410 m, dung tích hồ chứa 248 triệu m3)
Thủy điện Đăk Re 931 m, ứng với 5,89 triệu m3 (mực nước dâng bình thường 936 m, dung tích hơn 10 triệu m3). Thiết kế kháng chấn động đất từ cấp 7 trở lên.