Chiều 30-7, ông Phạm Thanh Bình, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), cho biết UBND tỉnh đã có chỉ đạo UBND huyện truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các xã khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến nhà dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân khi có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn.
“Hiện nay tâm lý người dân ổn định, không có hoang mang sau trận trận động đất mạnh xảy ra. Địa phương đã kiểm tra, thăm hỏi người dân và rà soát lại thiệt hại, ghi nhận một số thiệt hại chủ yếu là nứt tường nhà, phòng làm việc một số đơn vị. Có một tivi dân bị rơi vỡ”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm, trong ngày 30-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thuộc Bộ NN&PTNT vừa có chuyến khảo sát tình hình động đất trên địa bàn huyện.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra, rà soát tại ba địa điểm gồm thị trấn Măng Đen, xã Măng Cành và Đăk Ring. Bước đầu, đoàn ghi nhận một vài nơi bị ảnh hưởng nhỏ do trận động đất mạnh 5.0 độ ngày 28-7 gây ra. Trước mắt, đoàn kiểm tra và ghi nhận thực tế, chưa có đánh giá, đề xuất liên quan.
Trong hai ngày nay, theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, cuộc sống người dân ở vùng “tâm chấn” động đất huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vẫn diễn ra bình thường, không có tâm lý hoang mang.
Tuy nhiên, trận động đất có cường độ mạnh 5.0 xảy ra lúc 11 giờ 35 ngày 28-7 cũng khiến nhiều người dân giật mình, lo lắng, sợ có thêm những trận động đất lớn có thể xảy ra.
Anh A Đông (ngụ thôn Vi Ring, xã Đắk Tăng) kể: “Lúc động đất xảy ra, nhà cửa nó rung lắc như mình bị say rượu. Thấy sợ quá, mình chạy ra trước cửa nhà. Đêm hôm ngủ cũng hơi lo”.
Còn anh A Đơi (28 tuổi, thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng), thì cho biết: “Lúc trận động đất mạnh xảy ra, nhà cửa bị rung lắc mạnh khoảng 10 giây. Ở đây, dân hay cảm nhận được rung chấn do động đất nên quen rồi, không hoảng sợ như trước đây”.
Theo anh Đơi, mấy năm nay, huyện đã nhiều lần tổ chức hướng dẫn phương án ứng phó khi có động đất và phát nhiều tờ rơi cho bà con xem nên cũng yên tâm hơn.
Ngụ xã Đăk Tăng gần 12 năm, ông Nguyễn Văn Lại (chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Vi Ring 2, xã Đăk Tăng) đã chứng kiến rất nhiều trận động đất, nhưng trận động đất trưa 28-7 cũng khiến ông hơi lo.
“Động đất bình thường thì bà con nơi đây không lo, chỉ sợ càng về sau động đất ngày một lớn thôi. Người dân mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo an toàn cho dân”, ông Lại nói.
Trước đó, từ năm 2021, lần đầu tiên động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), đến nay đã có hàng trăm trận động đất xảy ra và ngày càng gia tăng tần suất động đất, cũng như độ lớn. Sự việc ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân.
Bước đầu, các chuyên gia xác định đây là động đất kích thích do hoạt động tích nước các hồ chứa thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông gây ra.
Tiếp tục xảy ra nhiều trận động đất
Tính đến 17 giờ ngày 30-7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần -Viện Vật lý Địa cầu phát đi thông báo có bốn trận động đất xảy ra trong ngày với độ lớn từ 2.5 đến 3.1.
Trước đó, ngày 29-7, ghi nhận 24 trận động đất và ngày 28-7 có 21 trận động đất, trong đó mạnh nhất là trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút với độ lớn 5.0.