Động lực cho quan hệ tầm cao mới Việt-Nhật

(PLO)- Việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ Việt-Nhật lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của cả hai quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Quyết định đến đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản trở thành nước thứ sáu có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (VN).

Báo Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, về ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ Việt-Nhật, cũng như những cơ hội cho hai nước sau bước đi quan trọng này.

Việc có nhiều đối tác nâng cấp quan hệ ngoại giao với VN cho thấy sự phát triển vị thế và uy tín chính trị của nước ta trên trường quốc tế. Đây là một thời cơ để VN phát triển toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ cũng cho thấy sự kỳ vọng của các đối tác với VN ngày càng cao. Điều này đòi hỏi chúng ta càng phải thể hiện vai trò trách nhiệm cao hơn trên trường quốc tế nói chung và trong quan hệ với các đối tác nói riêng.

TS NGUYỄN TUẤN KHANH, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM

Quan hệ Việt - Nhật ở tầm cao mới

. Phóng viên: Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ VN - Nhật Bản đã phát trin sâu rng trên nhiu lĩnh vc. Ông có nghĩ rng đây là thời điểm vàng để nâng cấp quan hệ VN - Nhật Bản?

+ TS Nguyễn Tuấn Khanh: Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Nhật. Việc nâng cấp quan hệ trong thời điểm này đánh dấu một bước ngoặt, một chặng đường trong quan hệ song phương. Xét về bản chất, tôi khẳng định mối quan hệ đối tác giữa hai nước được nâng cấp lên mức độ đối tác chiến lược toàn diện là hoàn toàn xứng tầm, phù hợp với mức độ phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai bên và phù hợp với cách tiếp cận của VN với Nhật Bản.

. Năm 2014, VN và Nhật Bản xác lập “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Năm nay, hai nước nâng cấp quan hệ thành “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Ông nhìn nhận như thế nào về sự thay đổi này?

+ Tên gọi mới xác định được mức độ mới của mối quan hệ cũng như cho thấy sự thay đổi cách tiếp cận của VN đối với Nhật Bản.

Cách tiếp cận của VN thời điểm năm 2014 có xu hướng thiên về kinh tế. Đó là thời điểm VN triển khai đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa và phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chính vì vậy việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản, được tiếp cận trên nền tảng rằng đây là một cường quốc kinh tế thế giới có trình độ công nghệ rất cao, có ý nghĩa rất quan trọng cho VN.

Thời điểm năm 2023 này, việc khẳng định mức độ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho thấy sự gắn kết của hai bên trong mối quan hệ song phương thực chất hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng chính là thành quả của những nỗ lực trong suốt thời gian kể từ khi nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược trước đây.

Anh bai chinh P16 dang 29-11-2023- Quan hệ Việt-Nhật .jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu công bố nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện ngày 27-11. Ảnh: TTXVN

. Ở tầm cấp cao hơn, mối quan hệ song phương sẽ có độ “mở” như thế nào, thưa ông?

+ Ở cấp độ mới này, quan hệ hai nước được kỳ vọng sẽ thể hiện một cách thực chất và toàn diện hơn trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến mới đã được thiết lập không chỉ khía cạnh kinh tế thương mại mà còn ở các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, ví dụ như viện trợ an ninh chính thức (OSA), hay những lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển của hai nước như năng lượng xanh, kinh tế số.

Hơn nữa, mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác song phương thông thường mà còn mang tính hội nhập. Tức hai nước sẽ cùng hợp tác lâu dài để giải quyết mọi vấn đề liên quan của cả khu vực và toàn cầu ở hiện tại lẫn tương lai. Như vậy, nếu quan hệ ở mức độ hội nhập thì hai bên sẽ cùng nhau đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng của khu vực và thế giới như tên gọi mới của mối quan hệ VN - Nhật Bản.

Anh bai chinh P16 dang 29-11-2023-chuyen gia-Quan hệ Việt Nhật.jpg
TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NVCC

Cơ hội và tương lai rộng mở

. Việc nâng cấp quan hệ sẽ mở ra những con đường mới trong hợp tác song phương, thưa ông?

+ Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra cho cả hai bên để cùng phát triển. Việc xác định mức độ và mô hình quan hệ mới tạo ra những hành lang pháp lý, hoàn cảnh chính trị thuận lợi để thiết lập nhiều cơ chế thúc đẩy các hoạt động thực tiễn hợp tác lên mức độ cao hơn, phủ sóng ở nhiều lĩnh vực hơn. Những vấn đề mới trong lần này (so với lần nâng cấp quan hệ năm 2014 - PV) có thể nói đến như vấn đề chuỗi cung ứng, chất bán dẫn, chuyển đổi kinh tế số, chuyển đổi năng lượng…

. Và cơ hội cho VN ra sao?

+ Với tuyên bố từ phía Nhật Bản, VN là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản. Việc tham gia của VN sẽ là một cứ điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Đây là thời cơ để VN có thể thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hơn trong tiến trình hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, hoàn cảnh thuận lợi của mối quan hệ song phương VN - Nhật Bản có thể tạo điều kiện thuận lợi để VN phát triển toàn diện, từ kinh tế, an ninh, quốc phòng đến phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo,...

. Vậy VN nên làm gì để tận dụng cơ hội lớn này?

+ Phát huy nội lực vẫn là yếu tố then chốt của VN khi tham gia vào quan hệ quốc tế. Để có thể tham gia thuận lợi vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản, chúng ta cần lưu tâm đến nhiều vấn đề nội lực như hành lang pháp lý, sự thuận lợi của môi trường kinh tế - đầu tư, sự ổn định của môi trường chính trị - xã hội, trình độ và năng lực của nguồn nhân lực...

. Xin cảm ơn ông.

Năm bùng nổ của ngoại giao Việt Nam

Năm 2023, chứng kiến sự sôi động nhiều hoạt động ngoại giao song phương giữa VN với nhiều nước. Đáng chú ý, VN cùng một số đối tác, chẳng hạn như Nhật Bản, Mỹ quyết định nâng cấp quan hệ ngoại giao.

TS Nguyễn Tuấn Khanh đánh giá rằng đây là thời điểm bùng nổ của ngoại giao VN, đánh dấu những cột mốc, chặng đường phát triển quan hệ quốc tế của VN với các đối tác quốc tế.

TS Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng quá trình hội nhập của VN không còn dừng lại ở vấn đề đảm bảo an ninh (từ sau năm 1975), hay vấn đề đảm bảo sự phát triển (từ sau năm 1988) mà chuyển sang cả việc đảm bảo khả năng phát huy hình ảnh và ảnh hưởng của VN trên trường quốc tế.

“Những mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác của VN hoàn toàn là những điều kiện quan trọng để có thể nâng cao vị thế, uy tín của VN với vai trò là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” - chuyên gia nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm