Bởi lẽ dù làm bất cứ công việc gì thì mục tiêu cuối cùng cũng là để bản thân, gia đình có cuộc sống no ấm, đầy đủ. Đối với cán bộ, công chức thì mục đích ấy cũng không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, nếu có cuộc sống đầy đủ, chắc chắn cán bộ, công chức cũng vì thế mà dễ từ chối những cám dỗ do tiêu cực, tham nhũng mang lại.
Vì vậy, gần 300 cán bộ, công chức, viên chức của Hậu Giang chủ động xin nghỉ ở góc độ nào đó là tín hiệu cho thấy: Sự liêm chính vẫn còn tồn tại trong một bộ phận xã hội. Dù có cho rằng ở những xã, phường, huyện, thị tại Hậu Giang, cơ hội nhũng nhiễu, tiêu cực để có thêm chi phí ngoài lương là rất thấp thì nếu muốn, những cán bộ, công chức, viên chức ấy vẫn có thể vận dụng chính sách hoặc ăn cắp giờ cơ quan để tư lợi.
Nhìn ở một khía cạnh khác ta sẽ thấy: Gần 300 cán bộ của tỉnh Hậu Giang nghỉ việc trong năm 2016 nhưng tuyệt nhiên không thấy các cơ quan chức năng cũng như báo giới đề cập đến những hệ quả tiêu cực của việc này. Điều ấy cũng có nghĩa là dù có tới gần 300 cán bộ, công chức, viên chức chủ động nghỉ việc nhưng hệ thống chính trị của tỉnh Hậu Giang vẫn đang hoạt động ổn định.
Nên nhớ gần 300 cán bộ, công chức, viên chức là một con số không nhỏ và nếu hiệu quả từ vị trí công việc mà họ đang thực hiện là lớn thì việc mất một số lượng cán bộ đó sẽ là một tổn thất cho cả tỉnh Hậu Giang.
Nếu so sánh thêm việc Bình Định, Phú Yên cuối tháng 3 vừa qua kiểm tra đột xuất kỷ luật hành chính, có nhiều cán bộ vắng mặt tại nhiệm sở vì lý do… ít việc thì có thể thấy rằng việc thực thi Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy rõ ràng đã “điểm trúng huyệt”. Vấn đề còn lại là việc thực hiện nó nếu chỉ có quyết tâm chính trị thôi là chưa đủ, mà phải cần hành động một cách thực sự mạnh mẽ, chính xác.
Một khi bộ máy tinh gọn, biên chế tinh giản sẽ giúp cho hiệu suất của cỗ máy hành chính nâng lên rất cao. Người dân sẽ nhờ vậy mà không còn phải chịu những hệ lụy do tắc trách, đùn đẩy.
Quỹ lương, vốn rất eo hẹp, sẽ phải chi trả cho số lượng cán bộ, công chức, viên chức ít hơn. Từ đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên đáng kể, không chờ đến khi chiến lược cải cách tiền lương được thực thi.
Cuối cùng, hệ quả của hai điều lợi trên chính là bộ máy hành chính sẽ trở nên liêm chính khi toàn thể những thành phần cấu tạo ra nó không cần phải nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Bởi khi đó mức lương cũng như các chế độ khác sẽ bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức một cuộc sống đàng hoàng, đủ để thanh liêm và động lực cống hiến.
Bởi nguyên lý rất đơn giản: Lương không đủ sống thì không có động lực cống hiến.