Chiều 23-8, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam phối cùng Vườn Quốc gia Cát tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai tổ chức hội thảo “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.
Đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân
Hội thảo lần này nằm trong kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai tuyên truyền vận động thực hiện chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”. Qua đó, khẳng định vai trò chỉ đạo sát sao với tinh thần quyết tâm, hành động của các cấp, các đơn vị trong việc chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trái trái phép trên địa bàn.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cùng thảo luận tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết có rất nhiều động vật quý hiếm đang dần bị tuyệt chủng hoặc mất dần, đơn cử như loài Kỳ Lân châu Á (Sao La) đã hơn 10 năm không tìm thấy trong rừng.
"Chúng ta bỏ rất nhiều tiền để tìm loài động vật này nhưng không tìm được. Vì vậy, rất lo lắng đến sự bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm" - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Thái, nguyên nhân chính của sự tuyệt chủng một số động vật hoang dã là do con người cho rằng một số động vật quý hiếm có thể làm thuốc chữa bệnh, nuôi làm cảnh hay đồ trang trí nên đã nảy sinh việc săn bắt động vật hoang dã để buôn bán, vận chuyển hay nuôi nhốt.
Do đó, các đại biểu tham dự đều cho rằng cơ quan chức năng bảo vệ rừng, quản lý rừng ngoài việc sử dụng công nghệ để quản lý động vật hoang dã cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân với thông điệp "Nói không với sử dụng động vật hoang dã" và tẩy chay các nhà hàng mua bán động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, vận động người dân khi phát hiện có người mua bán, săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã báo cho cơ quan chính quyền địa phương để xử lý.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, siết chặt chế tài
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, đánh giá mục đích của hội thảo để tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức cộng động, ý thức của người dân bảo vệ thiên nhiên, động vật và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thông tin toàn tỉnh Đồng Nai có 180.000ha đất rừng, lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Trong rừng Quốc gia Nam Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai có rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ ban ngành, người dân chống săn bắt, nuôi nhốt, mua bán động vật hoang dã. Từ năm 2020, chúng tôi phối hợp Khu bảo tồn, Rừng Quốc gia Nam Cát Tiên xử phạt hành chính gần 100 vụ săn bắt động vật hoang, xử lý sáu vụ hình sự. Thủ đoạn mua bán động vật hoang dã ngày càng tinh vi hơn, mua bán trên mạng xã hội.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai
Từ đó, đại diện các đơn vị thống nhất quan điểm cần cần xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, mua bán động vật hoang dã, giám sát động vật rừng bằng bẫy ảnh các loại động vật đặc biệt loại quý hiếm, nguy cấp tuyệt chủng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các ban ngành, huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị về bảo vệ, nâng cao ý thức tổ chức cá nhân, xử lý nghiêm, góp phần an ninh đảm bảo trật tự xã hội.