Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh ngày 30-8.
Có mẫu xét nghiệm nhưng không có tên người...
Tại cuộc họp, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, đến sáng cùng ngày toàn tỉnh ghi nhận hơn 23.000 ca dương tính COVID-19, trong đó có gần 13.000 ca đang điều trị, gần 10.000 ca khỏi bệnh và 194 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Toàn tỉnh đã tiêm hơn 800.000 liều vaccine trên tổng số 4,4 triệu liều.
Hiện ngành Y tế đã xét nghiệm xong 3 vòng tại 10/11 huyện thị, chỉ còn TP Biên Hòa đang tiếp tục xét nghiệm vòng 3.
Qua các đợt xét nghiệm diện rộng, phần lớn các huyện đã đạt mục tiêu bước đầu là tách F0 ra khỏi cộng đồng, tuy nhiên còn một số huyện, thành phố như: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Biên Hòa vẫn còn F0 trong cộng đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 30-8. Ảnh: VH.
Bác sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai nhận định, mấy ngày qua, công tác phòng, chống dịch nói chung và công tác xét nghiệm diện rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên trong ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, khi một số địa phương gửi mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm thì đã có một số sự cố, như mẫu đủ nhưng không có tên mẫu, phân loại trong danh sách hoặc trong danh sách có tên nhưng không có mã mẫu, hoặc có trường hợp mẫu thì đủ nhưng lại không có tên người trong danh sách.
“Để đạt mục tiêu đến ngày 5-9 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh khống chế được dịch bệnh, việc lấy mẫu xét nghiệm cần rút kinh nghiệm những sai sót và một số lỗi trong lấy mẫu các đợt vừa qua để việc xét nghiệm bổ sung sau khi hoàn thành kế hoạch xét nghiệm diện rộng được chuẩn chỉnh”, bác sĩ Nguyễn Đức Sơn nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý các địa phương tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra với phương châm chính xác, thần tốc, đảm bảo đúng quy định không được để điểm xét nghiệm diện rộng trở thành điểm lây lan dịch bệnh.
Phải tiêm xong 500 ngàn liều vaccine Vero Cell
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm lấy xã, phường làm pháo đài, phải coi chống COVID-19 như chống giặc và đồng thời khi đã đưa hết F0 trên địa bàn tỉnh ra khỏi cộng đồng và phải chốt chặt các cửa ngõ vào Đồng Nai, không để F0 từ các nơi khác lọt vào tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VH.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
“Trong tuần này, chúng ta phải tiêm xong 500 ngàn liều vaccine Vero Cell vừa được phân bổ về Đồng Nai. Tôi đề nghị triển khai ngay, tiêm dứt điểm trong tuần này tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp "3 tại chỗ", các vùng đỏ để giúp cho người dân có thêm "áo giáp" chống dịch”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.
Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh yêu cầu Sở Y tế cần thông tin ngay chất lượng loại vaccine Vero Cell để người dân tin tưởng, thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, việc phòng chống bệnh là phi chính trị, bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất, vaccine nào phát huy tác dụng hiệu quả, vaccine nào giúp dân thì sử dụng, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.
Người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh, Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành phố phải là người “truyền lửa” trong cuộc chiến chống dịch cam go này. “Tuy nhiên những cán bộ nào vì lý do sức khỏe, hoặc lý do nào đó mà không tiếp tục ra trận được nữa thì vận động anh em nghỉ ngơi, bố trí người khác làm thay và tạm thời không xem xét trách nhiệm. Thay tướng để phụng sự nhân dân là cần thiết, thay tướng để có những tướng giỏi phục vụ cho thắng lợi của chiến dịch”.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, không được để người dân nào đói khi thực hiện giãn cách xã hội. Các đường dây nóng an sinh xã hội và y tế phải trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin, không để xảy ra tắc nghẽn đường dây nóng.
Xã, phường nào thiếu nguồn lực chăm lo cho dân thì báo về huyện và tỉnh để được hỗ trợ.