Đồng Nai: Trưởng khu phố xét duyệt hỗ trợ tùy hứng gây bức xúc trong dân

Ngày 13-10, Báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho hay, tính đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ 785,6 tỉ đồng cho hơn 8.900 đơn vị sử dụng lao động, hơn 393.300 người lao động và hơn 6.300 hộ kinh doanh trên tổng số kinh phí đã phê duyệt là hơn 983 tỉ đồng.

Còn khoảng hơn 113.000 người lao động đã được phê duyệt nhưng chưa chi hỗ trợ. Người dân vẫn tiếp tục phản ánh trên Tổng đài 1022 về việc chưa được nhận tiền hỗ trợ hoặc không biết có được hỗ trợ hay không.

Trả lời về việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn chưa đạt kết quả như mong muốn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, đã có văn bản hướng dẫn quy định rất rõ về những người được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 68. Cấp huyện, cấp phòng nắm rõ quy định nhưng khi xuống đến địa phương thì lại khác.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, chủ trương như vậy nhưng Tổ, Khu phố không thực hiện thì phải chấn chỉnh ngay điều đó chứ để dân kêu quá sao được. Ảnh: VŨ HỘI. 

"Xuống đến bác Trưởng khu phố, thích thì bác nhận đơn, không thích thì trả về. Có Trưởng khu phố khi nhận đơn của thợ hồ nói lương thợ hồ 15 triệu/tháng giờ lấy đó ra mà xài rồi trả lại đơn. Chúng tôi đã có 3 văn bản gửi các huyện nhắc nhở chấn chỉnh về tiếp nhận đơn ở các khu phố"- bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói thêm.

Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH, đặc biệt ở khu vực TP Biên Hòa, việc nhận đơn, trả đơn cho người dân phụ thuộc vào các Trưởng khu phố, Tổ trưởng dân phố. Nhiều khi Tổ trưởng dân phố không hiểu quy định, thậm chí không phát đơn mẫu cho người dân hoặc chỉ phát vài tờ đơn, gây bức xúc dẫn đến tình trạng người dân phản ánh nhiều lần. 

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, trên cơ sở phản ánh của người dân, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần giải quyết nhanh. Trường hợp nào không được hưởng thì giải thích để người dân rõ.

UBND tỉnh cần nghiên cứu kỹ để tham mưu trên cơ sở cân đối khả năng ngân sách của địa phương, tính toán để hỗ trợ thêm cho các hộ dân khó khăn. Bởi, có những hộ dân 3 tháng giãn cách tuy có được hỗ trợ nhưng chỉ ở mức tạm đủ sống. Cần xem an sinh xã hội như gói kích cầu để kích thích sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đặc biệt lưu ý đến việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68. Sở LĐ-TBXH đã trình UBND tỉnh ký văn bản mở rộng đối tượng, hỗ trợ tiền nhà trọ, điện, nước cho người ở trọ.

“Thương dân hay không là ở lúc này đây. Đáng ra phải làm việc này sớm hơn, phải tập trung nhiều hơn nữa để lo cho công nhân, cho người dân khó khăn. Lãnh đạo các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ người dân, không thể để xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, người dân không biết mình có được hỗ trợ hay không hoặc rất chậm trễ. Những nơi nào lơ là việc hỗ trợ người dân cần xử lý nghiêm và khắc phục ngay” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết về việc xét duyệt mỗi nơi cho kiểu trên cùng một địa bàn là không có sự tuyên tuyền áp dụng nhất quán trong quá trình thực thi. Bí thư, Chủ tịch các huyện chỉ đạo yêu cầu các khu phố, địa phương nào không làm đúng theo quy định đó thì Bí thư huyện, chủ tịch huyện chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy.

"Chủ trương như vậy, cho phép như thế mà Tổ trưởng, Trưởng khu phố không thực hiện thì Bí thư, chủ tịch phải chấn chỉnh ngay chứ để dân kêu quá sao được. Người dân không đói thực phẩm nhưng họ cần tiền để mua sữa cho con và những đồ dùng vật dụng thiết yếu. Do đó, việc chi hỗ trợ cho người dân cần phải có sự công bằng. Nơi nào nhận thức chưa rõ thì phải quát triệt lại để đồng bộ lo cho dân, có vậy mới an dân được"- ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh. 

Ông Lĩnh đề nghị các cấp nỗ lực trong vấn đề này. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh chỉ là một vế, vế còn lại phải do cán bộ ở cơ sở mới quan trọng. Cán bộ tỉnh không thể làm thay cán bộ ở cơ sở được. Dân được hay không được là do cán bộ cơ sở. Vì vậy cán bộ cơ sở cố gắng lo cho dân theo những chính sách. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm