Thực tế hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden không nói nhiều về chính sách đối ngoại trong cuộc tranh luận đầu tiên cho thấy chủ đề này vẫn là điều suy đoán dù ai thắng.
Trên báo South China Morning Post, hai nhà nghiên cứu Ian Storey và Malcolm Cook tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) đã bình luận về chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Donald Trump (phải). Ảnh: BBC
Ủy ban Cộng hòa quốc gia không công bố cương lĩnh đảng năm 2020, quyết định tiếp tục thực hiện cương lĩnh năm 2016. Có thể thấy nếu đắc cử, khả năng ông Trump sẽ theo đuổi các chính sách cũ, cả đối nội lẫn đối ngoại.
Sự gắn kết của chính phủ ông Trump với Đông Nam Á trong bốn năm qua theo hai nhà nghiên cứu là không bằng thời chính phủ Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, sự gắn kết quốc phòng giữa các nước khu vực này và Mỹ được củng cố dưới thời ông Trump. Với chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Mỹ đã thúc đẩy gắn kết khu vực với các liên minh, đối tác song phương và các thỏa thuận đa phương.
Nếu ông Biden thắng thì sao? Theo hai nhà nghiên cứu, khả năng chính phủ ông Biden sẽ ít khó đoán hơn và sẽ nhất quán hơn. Chính phủ ông Biden sẽ chú trọng hơn vào việc cải thiện quan hệ với các đồng minh và các tổ chức quốc tế.
Cương lĩnh của đảng Dân chủ đưa ra một số hứa hẹn về chính sách chính trị. Hiện đang có sự đồng lòng lưỡng đảng Quốc hội Mỹ về chủ trương hành động với Trung Quốc nên sẽ không có sự thay đổi lớn về chính sách với Trung Quốc dưới thời ông Biden. Tuy thế, quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ êm dịu hơn, cơ bản vì chiến thuật mà ông Biden sử dụng có thể có phần khác. Chính sách của Mỹ ở Biển Đông cũng sẽ không đổi. Sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận giữa Mỹ với đồng minh, đối tác cũng như Mỹ sẽ tăng tuần tra vùng biển này.
Tương lai quan hệ Mỹ - Trung dù dưới thời ông Trump hay ông Biden đều sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á vẫn sẽ là trung tâm trong thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông.