Đồng Tháp có gần 6.000 hộ dân đang sống trong vành đai nguy cơ sạt lở

(PLO)- Đến hết quý II/2022 trên toàn tỉnh Đồng Tháp tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở là 131.878m, với 5.973 hộ dân cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-7, ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NT&PTNT tỉnh Đồng Tháp có thông tin với báo chí về tình hình sạt lở bờ sông và công tác thi công bờ kè chống sạt lở; công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Theo ông Ngoan, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 19 xã, phường, thị trấn của 06 huyện, thành phố: Thanh Bình, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự với chiều dài sạt lở khoảng 26,7 km, diện tích sạt lở khoảng 1,98 ha gây mất an toàn cho đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Ước thiệt hại khoảng 4,03 tỉ đồng.

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NT&PTNT tỉnh Đồng Tháp thông tin tại hội nghị giao ban báo chí. Ảnh: HD

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở NT&PTNT tỉnh Đồng Tháp thông tin tại hội nghị giao ban báo chí. Ảnh: HD

Qua kết quả kiểm tra thực tế tính đến hết quý II/2022 trên toàn tỉnh tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở 131.878 m, tổng số hộ dân 5.973 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn.

Kế hoạch hỗ trợ di dân vùng thiên tai năm 2022 là 107 hộ (91 hộ thuộc đối tượng sạt lở; 14 hộ thuộc đối tượng cụm tuyến dân cư vượt lũ) dự kiến kinh phí khoảng 1,1 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay chưa tổ chức thẩm tra di dân do chưa được phân bổ kinh phí.

Bên cạnh đó, ông Ngoan cho biết tình trạng sạt lở xảy ra ở một số sông, kênh rạch nội đồng trong những năm gần đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh sạt lở nội đồng xảy ra tại 12 xã của 04 huyện: Thanh Bình, Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung với tổng chiều dài là 1.235m, diện tích 4.001m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 5 hộ dân, ước thiệt hại khoảng hơn 1,6 tỉ đồng.

Một vụ sạt lở bờ sông Tiền trước đó

Một vụ sạt lở bờ sông Tiền trước đó

Trước diễn biến sạt lở bờ sông Tiền ngày càng nghiêm trọng, những năm qua, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT cùng với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT phối hợp UBND huyện huyện, thành phố đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng chống sạt lở bờ sông nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng.

Các dự án như Kè chống sạt lở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; kè chống xói lở bảo vệ thị xã Hồng Ngự; kè chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình; kè chống xói lở khu vực Phường 11, thành phố Cao Lãnh; Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị xã Sa Đéc; dự án Khắc phục sạt lở bờ sông Tiền tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành.

Theo ông Ngoan, sau khi các công trình kè được nghiệm thu hoàn thành và bàn giao cho địa phương khai thác sử dụng đã mang lại hiệu quả tích cực, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm