Đồng Tháp còn lúng túng khi thực hiện cơ chế đặc thù khai thác vật liệu làm cao tốc

(PLO)- Giám đốc Sở TN&MT Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh còn lúng túng trong việc áp dụng cơ chế đặc thù khai thác vật liệu xây dựng cho cao tốc và mong muốn Trung ương hướng dẫn chi tiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-6, Bộ TN&MT và Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục khai thác mỏ cung ứng cho cho dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ-Cà Mau.

Mới chuẩn bị được 1,9/7 triệu m3 cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Theo báo cáo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh có 14 giấy phép khai thác khoán sản (đến ngày 30-6 hết hạn). Tổng trữ lượng khai thác 6 tháng đầu năm là khoảng 972.000 m3, trữ lượng còn lại khoảng 25 triệu m3. Nhu cầu cát năm 2023 của Đồng Tháp gần 20 triệu m3. Ngoài ra tỉnh còn phải chuẩn bị cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh là khoảng 6,6 triệu m3.

Còn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) tỉnh phải cung ứng khoảng 7 triệu m3. Do đó, Đồng Tháp đã tăng 50% công suất khu mỏ 2A, 2B và giới thiệu 2 mỏ mới trên sông Tiền (thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành) và sông Hậu (thuộc xã Định Hòa, huyện Lai Vung) nhưng tổng trữ lượng dự kiến chỉ khoảng 1,9 triệu m3. Số cát còn lại tỉnh đang rà soát một số mỏ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Khai thác cát trên sông Tiền (Đồng Tháp)

Khai thác cát trên sông Tiền (Đồng Tháp)

Ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, hiện nay địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng cơ chế đặc thù và mong muốn hướng dẫn chi tiết. Đồng thời tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, cho ý kiến về 12 bước (quy trình, thủ tục) khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù được Sở căn cứ vào Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 18 của Chính phủ, Luật khoáng sản và hướng dẫn của Bộ TN&MT.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ nguồn vật liệu cát cho dự án. Tuy nhiên, Chủ tịch Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT thống nhất, nhà thầu khai thác mỏ cát mới là do Bộ GTVT giới thiệu”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ghi nhận sự hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp trong việc cung ứng cát cho dự án cao tốc trong thời gian qua và cho biết Bộ cũng đang rất sốt ruột trước tình trạng thiếu cát đắp nền cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

cát cho cao tốc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm

Theo Thứ trưởng Lâm, hiện nay nhiều đoạn của dự án đã được bóc hữu cơ, trải vải địa kỹ thuật nhưng lại không có cát đắp nền dẫn đến các công đoạn thi công tiếp theo bị gián đoạn. Do đó, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tập trung quyết liệt thi công phần cầu, đào hữu cơ đối với mặt bằng được bàn giao sau.

"Cơ chế đặc thù đã bỏ qua rất nhiều bước, nhà thầu chỉ có đăng ký trữ lượng, phương pháp khai thác, thời gian... đảm bảo các vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay theo như trình tự thủ tục mà Đồng Tháp dự thảo để thực hiện việc khai thác thì lại mất khoảng 100 ngày, tức là khoảng hơn 3 tháng nữa mới có cát", Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Do đó, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị Bộ TN&MT xem xét cho ý kiến về 12 bước thủ tục khai thác mỏ cát mà tỉnh Đồng Tháp đề xuất, rút ngắn thời gian tối đa để nhà thầu sớm thực hiện việc khai thác cát. Đồng thời Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu Đồng Tháp xem xét, cấp cho dự án các mỏ cát đã tạm dừng nhưng còn trữ lượng và nâng công suất các mỏ đang khai thác bên cạnh việc mỏ các mỏ cát mới.

Nâng 50% công suất các mỏ đang khai thác

Sau khi nghe trình bày, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị Đồng Tháp thực hiện ngay theo Nghị quyết 133 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản sản làm vật liệu xây dựng thông thường để nâng 50% công suất các mỏ đang khai thác và cung cấp ngay cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

cát cho cao tốc

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc 50% công suất sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu vật liệu cát cho dự án cao tốc. Đối với các mỏ đã tạm dừng và hết hạn, địa phương rà soát, phân loại các mỏ để giao cho các Nhà thầu của dự án hoặc cấp phép lại cho đơn vị cũ khai thác trữ lượng còn lại. Tuy nhiên phải có điều kiện ràng buộc là sản phẩm phải cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm và thời gian thực hiện các thủ tục phải ngắn nhất có thể.

Đối với các mỏ mới, địa phương thực hiện thủ tục xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Theo đó, hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác do nhà thầu nộp chỉ cần có cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm