Tại Thanh Hóa, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã động thổ và khởi công Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa vào ngày 10-8. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển vượt bậc ngành chăn nuôi bò sữa của công ty theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng
Tại buổi lễ, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết căn cứ Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Định hướng chiến lược ngành sữa Việt Nam giai đoạn 2010– 2020, tầm nhìn đến 2025 của Bộ Công Thương, công ty chủ trương phát triển đàn bò trong nước cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho các nhà máy, giảm dần nguyên liệu ngoại nhập.
Tiến hành nghi thức động thổ, khởi công dự án Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa. Ảnh: NC
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi bò sữa hiện nay phát triển chưa ổn định, quy mô nhỏ, chất lượng sữa còn nhiều biến động, chưa thể đáp ứng nhu cầu sữa tươi nguyên liệu cho hệ thống các nhà máy chế biến sữa của công ty. Trước tình hình này, công ty quyết định đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu sữa tươi dưới hình thức trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp, khép kín, quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Với chủ trương trên, từ năm 2009 đến 2014, công ty đã xây dựng hệ thống các trang trại ở cả nước, trong đó có tám trang trại chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng, Hà Tĩnh,Tây Ninh, hàng năm cho lượng sữa tươi nguyên liệu trên 200 triệu lít.
Từ những thành quả đạt được, công ty triển khai dự án xây dựng các trang trại bò sữa tại Thống Nhất với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, diện tích canh tác 2.500 ha, trong đó diện tích xây dựng trung tâm các trang trại chăn nuôi bò sữa 147 ha và 1.600 ha để phát triển nguyên liệu thức ăn thô xanh cho đàn bò. Tổng đàn bò dự kiến 16.000 con, trong đó có khoảng 50% vắt sữa; sản xuất khoảng 40 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm.
Được biết, Tổ hợp các trang trại bò sữa này do nhà thầu GEA Farm Technologies (Mỹ) thiết kế. Công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giúp tối ưu hóa công việc vận hành khi trang trại đi vào hoạt động; đáp ứng các điều kiện của tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và tiêu chuẩn GLOBAL GAP… cùng các tiêu chuẩn về vệ sinh, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường... Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao sẽ nhập khẩu bò từ Úc và Mỹ với quy mô 16.000 con và có thể tăng lên 24.000 con trong giai đoạn hai; cung cấp sản lượng sữa bình quân 98.630 kg/ngày, tương đương với hơn 36 triệu lít/năm. Dự kiến, công trình sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017.
“Với những điều kiện thuận lợi, công ty sẽ đầu tư xây dựng các trang trại theo mô hình chuồng trại công nghiệp, hiện đại với hệ thống làm mát đảm bảo; có diện tích đất quy hoạch trồng cỏ và hệ thống tưới tiêu, có công tác thú y đầy đủ… tạo điều kiện tốt nhất về nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý đàn bò, đảm bảo cho việc khai thác công suất cao nhất”, bà Liên cho biết thêm.
Áp dụng tiến bộ khoa học bậc nhất thế giới ở các khâu
Trong không khí vui mừng, phấn khởi, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhận định “Với uy tín về tiềm lực tài chính mạnh và nguồn nhân lực chất lượng cao của Vinamilk, Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa Thống nhất sẽ triển khai đúng tiến độ, an toàn chất lượng, hiệu quả và chắc chắn sẽ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật bậc nhất thế giới từ khâu lựa chọn giống bò sữa cao sản, giống cỏ, giống ngô… cùng với cơ sở hạ tầng chăn nuôi hiện đại.
Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai nơi đây sẽ là một trong những trung tâm chăn nuôi bò sữa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài việc cung cấp nguồn sữa bò tươi nguyên liệu chất lượng cao cho Nhà máy chế biến sữa của Vinamilk, nơi đây còn là địa điểm đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, cung cấp giống bò sữa tốt nhất ra thị trường”.
Buổi lễ khởi công Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đồng nghĩa với việc đem lại những lợi ích xã hội to lớn. Người lao động có thêm thêm việc làm, cải thiện thu nhập; nông dân nắm bắt được cách chăn nuôi khoa học và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để đạt hiệu quả cao. Đồng thời nông dân được cung cấp các con giống cao sản, thay thế dần con giống nhập khẩu; góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong tỉnh…
Hơn thế nữa, dự án sẽ góp phần không nhỏ hiện thực hóa mục tiêu đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017, đưa công ty trở thành một trong 50 Doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới.