Đông Ukraine - tuyến bay đông đúc bậc nhất thế giới

Tai nạn thảm khốc ngày 17/7 đối với chuyến bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines tại Ukraine và lệnh đóng cửa không phận miền đông nước này sau đó đã khiến một trong những khu vực đông đúc nhất của hàng không thế giới trở nên vắng vẻ suốt những ngày qua.

Hầu hết các hãng hàng không thế giới đã chọn cách đi vòng lên hoặc xuống dưới không phận Ukraine. Sáng nay, Vietnam Airlines có 3 chuyến từ Hà Nội và TP HCM đi Paris, Frankfurt, nhưng cũng phải đổi hướng, bay vòng qua hai nước Nga, Belarus. Vietnam Airlines là hãng duy nhất trong nước có đường bay tới châu Âu, trong đó 3 tuyến từng có lộ trình đi qua Ukraine là Paris, Frankfurt và London. Hiện nay, Vietnam Airlines bay 22 chuyến mỗi tuần đến 3 điểm này và tất cả đều tránh không phận Ukraine cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Ba chuyến bay của Vietnam Airlines đi Paris, Frankfurt sáng nay đều chung lộ trình đi qua Belarus, tránh không phận Ukraine. Ảnh:Flighradar24

Nằm trên đường bay mang ký hiệu L980, Đông Ukraine là điểm đến quen thuộc của lộ trình kết nối các cảng hàng không đông đúc của châu Âu như London, Amsterdam, Frankfurt... với những thành phố lớn của châu Á như Tokyo, Hong Kong, Mumbai và Singapore... 

Với tần suất khoảng 400 chuyến mỗi ngày (trong đó có 150 chuyến quốc tế), theo CNBC, đây từng là một trong những lộ trình an toàn và hiệu quả cho các máy bay thương mại. Bản thân Bộ trưởng Giao thông Malaysia - Llow Tiong Lai, sau tai nạn cũng khẳng định MH17 đã đi qua "một trong những tuyến hàng không bận rộn nhất thế giới".

Cùng thời điểm MH17 bị bắn hạ, theo số liệu từ hãng theo dõi FlightRadar24, có 55 máy bay khác đang hoạt động gần đó. Trong số này có phương tiện của Qatar Airways, Emirates, Etihad, Austrian Airlines, Thai Airways, Jet Airways và Pakistan International Airways. Một máy bay của Singapore Airlines tuyến Copenhagen - Singapore cũng chỉ cách đó 24 km.

Đường bay Đông Ukraine cũng như sân bay Donetsk từng hết sức bận rộn. Ảnh:IAD

"Đây là tuyến bay được sử dụng rất thường xuyên. Malaysia Airlines đã chọn đường đi trực tiếp và kinh tế nhất để giảm chi phí nhiên liệu. Đây cũng là điều khách hàng mong muốn và không có gì lạ so với các hãng hàng không quốc tế khác", Norman Shanks - Giảng viên An ninh hàng không tại Đại học Coventry (Anh) cho biết. British Airways, Air France, Lufthansa và KLM cũng sử dụng chính xác tuyến này cho các chuyến bay của mình.

Chi phí hoạt động trực tiếp của Boeing 777-200ER vào khoảng 25.000 USD mỗi giờ. Theo Australian, nếu MH17 chuyển hướng bay, thời gian hành trình sẽ kéo dài thêm 45 phút. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí bay sẽ tăng thêm 15.500-18.750 USD, tương đương 66 USD mỗi hành khách.

Hiện hầu hết các hãng hàng không đều tránh khu vực này. Ảnh:Flightradar24.

Chi phí hoạt động trực tiếp bao gồm khấu hao, bảo hiểm, lãi suất, nhiên liệu, dịch vụ mặt đất, chi phí cho phi hành đoàn và bảo dưỡng. Việc này đã lý giải phần nào nguyên nhân nhiều hãng hàng không vẫn bay qua Ukraine, bất chấp tình hình chiến sự.

Miền đông Ukraine đang là nơi xảy ra xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng đòi ly khai thân Nga. Giới chức nước này đã cấm máy bay hoạt động tại độ cao 9.700m trở xuống. Thậm chí, từ vài tháng trước, nhiều hãng hàng không còn đổi lộ trình để tránh bay qua Ukraine, như Korean Air, Asiana, Qantas hay China Airlines.

Tuy nhiên, theo bà Mary Schiavo - cựu tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cùng các cơ quan hàng không dân dụng khác trước đó chưa coi khu vực MH17 bị bắn rơi nằm trong vùng xung đột ở Ukraine. "Họ chưa định rõ đó là khu vực không nên bay qua" dù nơi đây xảy ra xung đột, Schiavo nói.

Bên cạnh đó, lộ trình bay của các hãng đều được nghiên cứu rất kỹ từ trước và bị ràng buộc bởi chi phí nhiên liệu, cũng như hệ thống cột mốc trên suốt quãng đường.

"Thông thường, một lộ trình sẽ không có nhiều thay đổi. Nếu một hãng có chuyến bay hàng ngày từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, ngày nào họ cũng sẽ bay trên cùng một tuyến", Kees Rietsema - Giáo sư tại Đại học Hàng không Embry-Riddle cho biết trên Washington Post. Thay đổi thường gặp nhất là khi phi công nhận thấy thời tiết xấu.

"Thực ra, quyền quyết định nằm trong tay các hãng hàng không", Ron Bartsch - Giám đốc hãng tư vấn hàng không quốc tế - AvLaw International cho biết trên SMH. Họ chính là những người sẽ phán xét liệu nguy hiểm tiềm tàng trên tuyến bay có "nằm trong giới hạn an toàn cho phép" hay không.

Thomas Routh - một quan chức hàng không tại Chicago (Mỹ) cũng đồng tình với ý kiến này. Trên Global News, ông cho biết: "Việc này cũng giống như mỗi ngày, các máy bay vẫn cứ ra vào Afghanistan hay Iraq vậy".

Theo Hà Thu (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới