Chiều 24-9, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo giới thiệu Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Tổng cục Hải quan giới thiệu Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Ảnh: TP
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết đề án nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành, từ đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương.
Cũng theo ông Cẩn, dù đạt một số kết quả nhưng công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp. Trong đó, tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm chỉ từ 0-0,03%.
“Với những tồn tại, bất cập hiện nay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới” – Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Ngày 16-9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án nói trên.
Theo mô hình đề án, nhiều thủ tục kiểm tra sẽ được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Khi hàng hóa đủ điều kiện sẽ được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành…
Đề án bao gồm bảy nội dung cải cách lớn: giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.
Ngoài ra còn có đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp…
Dự kiến, đề án sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Thứ nhất là từ năm 2020 đến năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai thực hiện đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.
Thứ hai là từ năm 2023 đến năm 2026, rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.