"Cuối năm người Việt có thói quen quét dọn, gom rác thải ra đường hoặc góc vườn châm lửa đốt, làm sạch nhà chuẩn bị đón Tết. Nhưng do bất cẩn, nhà này đốt, nhà kia thấy đổ chồng lên, tàn lửa ở dưới vẫn còn cháy âm ỉ, xe về đậu ngay vị trí đó vậy là cháy luôn xe. Nhiều trường hợp đốt rác cháy lan, cháy luôn cả nhà!”
Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Tp.HCM, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TP.HCM), cho biết như trên.
Cuối năm bận rộn nhưng khi chúng tôi đề nghị muốn thực hiện bài viết về những thói quen gây cháy nhà ngày Tết, Trung tá Lê Mạnh Hà đồng ý sắp xếp lịch ngay.
Một cuộc hẹn vào chiều tối, không phải là ngày trực của ông, khi nhiều đồng nghiệp của ông đã về bên mâm cơm cùng gia đình, chuẩn bị cho cái Tết Đinh Dậu, tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề.
Ông Hà ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi sợ nhất là nghe cháy nhà dân lúc nửa đêm. Theo thống kê của Cảnh sát PC&CC Tp.HCM, năm 2016 Tp.HCM có 8 người chết do hỏa hoạn, trong đó có 7 người chết ở nhà dân, hộ kinh doanh kết hợp nhà ở. Hỏa hoạn ngày Tết nhiều lắm, nguyên nhân đầu tiên là do sự cố điện, kế đến là đốt cỏ rác gây cháy lan (17/361 vụ chiếm 4,7%). Thương bà con, hỏa hoạn xảy ra là mất tết, tài sản cả đời bị thiêu rụi, thương anh em PCCC đi làm cực. Ngày Tết ai chẳng muốn ở bên gia đình!”.
PLO xin giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: "Thói quen tự đốt nhà ngày Tết"
Cháy rác, cháy luôn xe ngày 29 Tết
Đốt rác chạy rụi 3 ki ốt bán hàng ở Quận Gò Vấp năm 2015. Ảnh: Xuân Ngọc
Rất nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân là do người dân đốt rác, vứt tàn thuốc vào rác. Mới năm ngoái, vụ cháy vào đúng sáng 29 Tết vẫn khiến ông nhớ mãi.
Đó là vào khoảng 4h30 rạng sáng ngày 7/2/2016 (tức 29 tết), anh Tài (27 tuổi) trú tại phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân là chủ tiệm vá vỏ Chín Tài đang ngủ trong phòng thì bất ngờ nghe tiếng chó sủa lớn. Anh chạy ra kiểm tra thì phát hiện có cột khói đen ở vách tôn phía trước bãi xe. Lại gần, anh suýt xỉu khi thấy đống lốp xe ô tô để sát vách tôn đang bốc cháy ngùn ngụt.
Tá hỏa, anh vội chạy vào nhà kêu người hỗ trợ, người kia gọi 114 còn anh tìm bình cứu hỏa dập lửa. Dù đã tìm được 2 bình chữa cháy và cố gắng dập tắt nhưng lúc này ngọn lửa đã bùng lớn và đang liếm dần qua xe ô tô khách bên cạnh. Chỉ đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân có mặt mới khống chế dập tắt được hoàn toàn.
“Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi xác định nơi xảy ra cháy đầu tiên là đống rác bên lề đường sát vách tôn bãi giữ xe anh Bảy. Nguồn nhiệt gây cháy có thể do người dân đốt rác hoặc người đi đường vứt đầu lọc thuốc lá đang cháy gây cháy đống rác đó. Trong quá trình sinh sống chủ bãi giữ xe cũng không có mâu thuẫn với ai.Vụ cháy làm hư hỏng một phần xe và kết cấu nội thất ước tính khoảng 40 triệu ngoài ra còn làm ám khói, hư hỏng nhẹ phần thùng xe của một chiếc xe tải”.
Những vụ cháy thương tâm được báo chí ghi nhận không đếm xuể. - Ngày 10-8-2016, thấy khu vực nhà để củi bẩn, ông D.Q.B (xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) liền quét dọn, nhóm lửa đốt rác, không may ngọn lửa bùng phát lây sang nhà bếp... Ông B hô hoán bà con lối xóm đến cứu chữa nhưng gặp lúc thời tiết nắng nóng, gió thổi mạnh, ngọn lửa bùng phát dữ dội, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn căn nhà bếp bằng gỗ mít rồi lan sang một phần mái sau ngôi nhà gỗ 3 gian khiến một số vật dụng như: tủ lạnh, bếp ga, áo quần bị cháy đen. - Chiều 3-3-2015, một người dân đốt rác dưới chân cầu Hang đã khiến ngọn lửa bén vào đám cỏ khô, gây cháy lan sang 3 ngôi nhà nằm trên đường Phan Văn Trị. Ngoài ra, 3 chiếc xe gắn máy để bên trong các cwae hàng cũng bị cháy rụi - Lên mạng, chỉ cần gõ từ khóa “Đốt rác gây cháy nhà”, chưa đến 1 giây sẽ có hàng trăm ngàn kết quả: đốt rác gây cháy lan gara ô tô ngày 22-6-2016 trên đường Lê Văn Lương, Quận 7; đốt cỏ rồi bỏ đi tắm gây cháy lớn giữa khu dân cư ở Quận Thanh Khê, Tp Đà Nẵng vào tối 3-6-2015 |
Đốt rác phải lưu ý những điều này
Trung tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo nên hạn chế việc đốt rác. Nếu thực sự phải đốt thì phải có người trông coi. "Trong thời gian đốt rác không được bỏ đi làm việc khác: tắm rửa, lau dọn nhà cửa…Đốt nhỏ, đốt ít một để đảm bảo có thể khống chế được ngọn lửa, không cháy lan. Khi đốt xong, phải dùng lửa dập tắt hoàn toàn đám cháy, đám bảo không còn tàn lửa, ngọn lửa không còn khả năng bùng phát trở lại”, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra tuyệt đối không được vứt tàn thuốc, thuốc hút dở lên đống rác, phế liệu, những chất liệu dễ cháy. Chỉ cần mồi lửa nhỏ như một mẩu tàn thuốc cũng có thể đốt cả khu rừng.
“Cháy xe ngày Tết do đậu lên bãi rác rất nhiều. Bởi vậy khi đậu xe phải xác định xem, có đậu ngay trên đống rác hay gần đó có đống rác hay không, nếu có phải dọn sạch”, ông Hà nói.
(Còn tiếp)