Vụ cháy tiệm áo cưới cả nhà tử vong:

Những điều phải biết nếu không muốn chết cháy

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ, cho biết như trên tại buổi họp báo vừa diễn ra vào chiều qua (14-10).

Nguyên nhân vụ cháy tại tiệm đồ cưới ở quận 12 (TP.HCM) khiến cả nhà ba người chết thảm là một trong những nội dung làm nóng buổi họp báo thông cáo về tình hình công tác và tổ chức các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quý III-2016.

Ngay sau họp báo, Trung tá Lê Mạnh Hà đã dành thời gian chia sẻ thêm với PV báo Pháp Luật TP.HCM về những bài học đau lòng từ vụ cháy thương tâm này.

Nhà chỉ có duy nhất một cửa thoát hiểm

Cháy tiệm cưới hỏi khiến cả nhà chết cháy.

Như đã đưa tin, vụ cháy lớn xảy ra vào lúc gần 3 giờ sáng 4-10 tại cửa hàng dịch vụ cưới hỏi Gia Định 3 (1/117A Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12).

Ngay khi phát hiện cháy, hàng xóm đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường và nghe tiếng kêu cứu yếu ớt từ bên trong. Mọi người cố gắng đập tường, tạt nước vào nhưng lửa đã quá lớn, bao trùm căn nhà. Khi hỏa hoạn được dập tắt, vợ chồng chủ tiệm và con gái đã tử vong.

Tham gia khám nghiệm hiện trường có tổ khám nghiệm hiện trường của phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TP.HCM), Cơ quan CSĐT Công an quận 12, VKSND quận 12…

”Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ cháy khả năng là do chập điện.  Tia lửa cháy lan ra biển quảng cáo và hàng hóa trong tiệm đồ cưới. Khám nghiệm hiện trường, chúng tôi phát hiện: Ổ cắm, phích cắm cắm chồng lên nhau tạo ra búi dây chồng chéo. Có hiện tượng nóng chảy, vón cục ở đường dây dẫn điện.

Thời điểm xảy ra vụ cháy là khoảng 2 giờ 45 phút, thời gian mọi người đi ngủ. Chúng tôi cũng đã hỏi hàng xóm xung quanh xem gia đình có mâu thuẫn xích mích với ai không, câu trả lời nhận được là không. Đó là thông tin ban đầu, nguyên nhân chính thức phải đợi kết luận từ giám định pháp y, cơ quan cảnh sát điều tra quận 12” - ông Hà khẳng định.

Phác họa lại sơ đồ ngôi nhà, ông Hà cho biết phòng ngủ gia đình ở cuối, sự cố xảy ra ở khoảng giữa, nhà chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm là cửa chính. Cửa lại khóa bằng ba lớp: cửa cuốn, cửa kính và cửa sắt nên khi xảy ra sự cố, nạn nhân chạy không kịp. Hàng xóm xung quanh cũng không phá được cửa mà phải đục tường vào.

Những bài học thương tâm

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý về cháy nổ. Ảnh: Nguyễn Trà

Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (cảnh sát PCCC TP.HCM) chia sẻ: Rất nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra, người trong nhà không thể thoát ra ngoài được do nhà chỉ có một cửa thoát hiểm duy nhất.

Đầu tiên, cần tạo ra ít nhất lối thoát hiểm thứ hai trong gia đình ngoài lối cửa, có thể là hông nhà, sau nhà hoặc mái nhà. Hỏa hoạn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, luôn phải chủ động để đối phó!”, ông nói.

Cháy ở tầm giữa, cửa chính ở ngoài cùng, chạy ra sợ chết cháy, mà ở lại thì cũng chết ngạt. “Năm 2015, vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) khiến bảy người chết cháy, vụ cháy ở Củ Chi khiến hai người chết cháy… cũng tương tự vậy, nhà chỉ có một lối thoát hiểm. Trong khi như ngôi nhà trên đường Trần Hưng Đạo, rõ ràng có thể mở thêm cửa hông ở hẻm vào, người trong nhà đã có thể chạy ra theo lối cửa này khi phát hiện cháy”, ông Hà trầm ngâm nhớ lại.

Thứ hai, Trung tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo mỗi hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy và xô nước để ngay khi xảy ra sự cố có thể xử lý ngay lập tức. Bình chữa cháy và xô nước phải để ở vị trí thuận lợi, dễ tìm, phổ biến cho các thành viên trong nhà biết vị trí và cách sử dụng. Bình chữa cháy phải được kiểm định, đặt ở nơi râm mát.

Thứ ba, mỗi thành viên trong gia đình cần tự trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm, chữa cháy để chủ động đối phó khi cần”.

Một vài kỹ năng cần thiết bắt buộc phải nắm như: khi xảy ra cháy, khí cháy sẽ tụ ở phía trên, dưỡng khí tập trung phía dưới, lúc di chuyển phải cúi thấp người xuống, bò trườn dưới đất, men theo tường ra cửa. Thấy cửa, không được mở vội, phải sờ xem cửa có nóng không mới mở. Tự tạo mặt nạ chống độc bằng khẩu trang, áo quần nhúng nước, thậm chí trong trường hợp khẩn cấp bằng cả áo lót nhúng nước như cô gái trong vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội đã làm…

“Khói độc là nguyên nhân hàng đầu gây ra thương vong trong các vụ cháy”, ông Hà khẳng định.

Thứ tư, Trung tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo các hộ gia đình cần quan tâm đến điện và hệ thống dây dẫn điện. Thực tế những vụ cháy gây thương vong lớn thường tập trung vào mùa mưa, nguyên nhân chủ yếu do chập điện.

“Thiết bị điện như: Áptômát nên mua ở đại lý của những hãng uy tín, xem kỹ đúng nơi đúng hãng sản xuất không, công dụng của nó. Như ở gia đình mình, tôi chọn Áptômát chống giật rò rỉ, mua ở hãng giá tầm 700.000 đồng, không chỉ khi điện quá tải mà khi có hiện tượng điện bị rò rỉ sẽ tự động tắt.

Trong khi trên thị trường hàng giả hàng nhái rất nhiều: Áptômát 30.000, 70.000, 200.000 gì cũng có. Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà... quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Những thiết bị đấu nối, đường dây dẫn cần để xa chất dễ cháy nổ. Chẳng hạn để nệm dưới quạt, chập điện, quạt cháy rơi xuống nệm sẽ khiến ngọn lửa sẽ bùng lên dữ dội…”, Trung tá Lê Mạnh Hà cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm