Cháy nhà cao tầng, làm sao thoát chết (Kỳ cuối):

Chữa cháy hay đốt cả tòa nhà?

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến-Phó trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC Tp.HCM chia sẻ như trên.

Nếu không trang bị đủ kiến thức, kỹ năng thì việc lao vào dội nước chữa cháy trong một số trường hợp sẽ khiến đám cháy bùng lên, thậm chí phát nổ.

Dưới đây là một số lưu ý:

Cháy do xăng dầu

Người chiến sỹ Cảnh sát PCCC mệt nhoài, lấm lem sau khi chữa cháy.

Không nên dùng nước dập cháy do xăng dầu vì sẽ khiến đám cháy lan nhanh hơn. Nhưng có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn: dùng chăn nhúng nước để trùm lên đám cháy, dùng nước để pha trộn với hóa chất chuyên dụng để tạo bọt chữa cháy...

Có những hóa chất tác dụng với nước sẽ khiến đám cháy bùng lên, dữ dội hơn như: Natri, Kali, bột nhôm, đất đèn… Đặc biệt là tuyệt đối không dùng nước dập lửa nơi có chứa đất đèn - chất mà nhiều hộ gia đình sử dụng để ủ trái cây nhanh chín đồng đều hơn.

Cháy do rò rỉ khí ga, bếp ga

Việc đầu tiên cần làm là báo động cho mọi người biết đồng thời tuyệt đối không bật, tắt thiết bị điện, không làm va đập các vật kim loại, không bật hộp quẹt. Vì nó sẽ phát ra tia lửa, kết hợp với khí ga rò rỉ sẽ bén lửa, gây nổ và bốc cháy.

Thay vào đó sau khi báo động mọi người, cần nhanh chóng mở cửa sổ để khí gas thoát ra ngoài.

Cách đây không lâu, một vụ cháy thương tâm xảy ra trên địa bàn Quận 8 TP.HCM mà mỗi lần nhắc lại, người dân không khỏi rùng mình. 

Chị Đinh Thị Trang (39 tuổi), ngửi thấy mùi gas bốc lên nồng nặc từ phòng trọ. Khi kiểm tra, chị phát hiện chỗ gắn van bình gas 12 kg bị xì nên hô hoán cho mọi người di tản. Sau đó, chị quay ra cúp cầu dao điện làm phát ra tia lửa. Lửa bùng cháy dữ dội trong nhà, táp vào người chị Trang gây bỏng nặng. Một người trong khu trọ cũng bị thương nghiêm trọng.

“Khi sử dụng xong bếp gas, cần tắt van đầu bình trước rồi tắt van bếp gas để đảm bảo an toàn. Nhiều hộ gia đình hiện nay chỉ tắt bếp mà không khóa van đầu bình, đây cũng là một trong những nguy cơ dẫn tới hiện trạng rò rỉ gas, gây cháy nổ.

Ngoài ra, khi đun nấu thức ăn, mải chơi, ngủ quên hay làm việc khác để cháy thức ăn gây cháy lan ra xung quanh hoặc thức ăn sôi trào ra ngoài, dập tắt lửa nhưng bếp vẫn không tắt dẫn đến hiện tượng gas xì ra ngoài và tích tụ. Nếu không phát hiện sớm cũng rất nguy hiểm”, ông Huỳnh Quang Tuyến chia sẻ.

Chập điện cháy

Đầu tiên, trước khi chữa cháy phải cúp cầu dao, ngắt hoàn toàn hệ thống điện.

Cân nhắc sử dụng nước, thiết bị chữa cháy hay hóa chất phù hợp với từng loại chất cháy, với từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, cháy những thiết bị điện tử thì nên sử dụng bình chữa cháy thay vì nước bởi nước có thể khiến hỏng hệ thống điện và những thiết bị liên quan.

Nếu là cháy thiết bị nhỏ có thể tìm cách mang ra khu vực an toàn rồi dập tắt.

Khi quần áo bị bén lửa

Di chuyển ra từ đám cháy, bị cháy quần áo, dù hoảng sợ nhưng tuyệt đối không được chạy vòng vòng khiến lửa gặp gió cháy nhanh hơn.

Thay vì đó, hãy dùng chăn, ga, quần áo nhúng nước choàng lên người để dập tắt lửa hoặc nằm xuống lăn qua, lăn lại cũng là cách dập lửa hữu hiệu.

Làm thế nào để bình tĩnh khi có cháy?

Chữa cháy hay đốt cả tòa nhà? ảnh 2

“Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra hoản hoạn là phải hết sức bình tĩnh. Bình tĩnh để không chạy loạn, bình tĩnh để đối phó, bình tĩnh để giữ được mạng sống của mình.

Nhưng làm thế nào để bình tĩnh trong tình huống đó?

Muốn bình tĩnh, chủ động trong tình huống tính mạng bị đe dọa khi xảy ra cháy, nổ thì mọi người nên tích cực tham gia những cuộc diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức tại nơi ở, nơi làm việc. Đồng thời tham gia những buổi tập huấn về PCCC để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Nên tập thói quen quan sát tìm hiểu đường, lối thoát hiểm, xem qua sơ đồ thoát hiểm khi lần đầu tiên vào một toà nhà cao tầng.

Với những ngôi nhà cao tầng, khu dân cư và những công trình khác thường tổ chức những cuộc diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Có 2 dạng: dạng 1 là chủ đầu tư, người đứng đầu hoặc ban quản lý, ban quản trị công trình tự tổ chức diễn tập trong tình huống giai đoạn đầu khi lực lượng PCCC chưa tới kịp;

Dạng 2 là phối hợp diễn tập giữa lực lượng tại chỗ với Cảnh sát PCCC. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rất thành công và được dư luận đánh giá cao như ở tòa nhà Diamond Plaza, Vincom Center…

Tuy nhiên, trong thực tế, trong nhiều cuộc diễn tập, một số người tham gia với ý thức rất kém, tham gia theo kiểu miễn cưỡng, bắt buộc, có người còn đùa giỡn. Tham gia như vậy đâu có tác dụng gì, không đặt mình vào hoàn cảnh đó để làm như thật thì khi xảy ra cháy thật, không bình tĩnh nổi cũng là chuyện đương nhiên.

Ngoài ra, những buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn ở tổ dân phố, khu dân cư khi thông báo họp chúng tôi đều lưu ý chủ nhà phải tham gia để tiếp thu và vận dụng: làm thế nào để phòng ngừa cháy, nổ, cần sắm những thiết bị gì, đặt ở vị trí nào cho dễ tìm thấy, xử lý ra sao khi xảy ra cháy, nổ…

Nhưng nhiều hộ cử người già, người giúp việc đi dự, vừa nghe vừa ngủ gà ngủ gật... nên không có tác dụng. Dù những chương trình tập huấn thường có nhiều clip hướng dẫn, và chúng tôi đã cố gắng làm sinh động để người dân dễ tiếp thu!

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến-Phó trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm