Nhồi máu cơ tim là tình trạng mạch máu nuôi tim bị tắc nghẽn khiến một vùng cơ tim không được tưới máu dẫn đến thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.
Bệnh gây tử vong đột ngột nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, với tâm lý trẻ đi đôi với khỏe, nhiều người chủ quan không phòng ngừa, khi nhập viện tính mạng đã “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nhập viện trên đường đi làm
Ngày 18-12, Khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) quận Gò Vấp (TP.HCM) ghi nhận nữ bệnh nhân PMD (37 tuổi, ngụ quận 12) nhập viện do cảm thấy mệt, đau ngực khi đang trên đường đi làm. Trước đó chị D. có tiền sử cao huyết áp.
Tại BV, chị D. rơi vào tình trạng tím tái, ngừng hô hấp tuần hoàn nên ngay lập tức được các bác sĩ (BS) ép tim, dùng thuốc hỗ trợ tim đập trở lại. Đánh giá đây là ca rất nặng, BV kích hoạt báo động đỏ liên viện đến BV Quân y 175 nhờ hỗ trợ rồi chuyển chị sang tiếp tục điều trị.
Mặc dù đoạn đường di chuyển ngắn nhưng khi xe gần đến cổng cấp cứu BV Quân y 175 chị D. bị ngưng tim lần hai, phải hồi sức 15 phút mới đập trở lại và được đưa vào Khoa hồi sức tích cực. Chụp mạch can thiệp, các BS phát hiện chị bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, nguy cơ ngưng tim lần nữa và đột tử rất cao nên quyết định đặt stent thông động mạch tắc. Nhờ đó huyết áp được kiểm soát.
Ngoài ra, lo ngại di chứng chị phải sống đời thực vật, các BS tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm soát thân nhiệt theo mục tiêu để bảo vệ, giảm tỉ lệ tổn thương não sau ngừng máu tuần hoàn. Đến nay dù đã nhận biết được, chức năng gan thận ổn nhưng do ngừng máu tuần hoàn, chị D. có biểu hiện suy tim và đang tiếp tục được theo dõi.
Thượng tá-BS Vũ Đình Ân, Trưởng Khoa hồi sức tích cực BV Quân y 175, cho biết trường hợp chị D. không phải là cá biệt, thời gian gần đây BV ghi nhận khá nhiều ca tương tự.
Còn BS Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng Khoa tim mạch can thiệp BV Nhân dân Gia Định, cũng cho biết số bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện do nhồi máu cơ tim ngày càng cao. Hầu hết xảy ra ở người có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu... Điều nguy hiểm là nhiều người huyết áp cao nhưng không biết nên không quan tâm tầm soát sức khỏe.
Bệnh nhân PMD đang được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực BV Quân y 175. Ảnh: HOÀNG LAN
Chủ động phòng ngừa bệnh
Theo các BS, có năm yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá và gia đình có người bị bệnh mạch vành sớm. Trong đó yếu tố hút thuốc lá gây tổn thương mạch vành lan tỏa đáng được quan tâm vì thanh thiếu niên hút thuốc chiếm tỉ lệ không nhỏ.
“Tuy nhiên, nhận thức của giới trẻ về tác hại của thuốc lá chưa được đầy đủ. Đa phần người ta nghĩ thuốc lá liên quan đến bệnh phổi mà không nghĩ đến sát thủ ghê gớm là bệnh lý mạch vành. Cạnh đó, chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, cân đối cũng là nguy cơ khiến bệnh nhân dễ bị rối loạn mỡ máu, nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim. So với các nước châu Á như Singapore, Thái Lan, người Việt Nam rất lười đi bộ cũng là một nguy cơ” - BS Đỗ Anh phân tích.
BS Đỗ Anh khuyến cáo người trẻ tuổi (dưới 40) nên thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ mỗi năm một lần. Đặc biệt, những người có gia đình bị rối loạn mỡ máu có tính chất gia đình, có người đột tử (cha mẹ, anh chị em) vì bệnh lý mạch vành cần quan tâm tầm soát kỹ sức khỏe tim mạch hơn vì nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn các đối tượng khác.
Theo BS Ân, ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục lành mạnh, người dân khi phát hiện các bệnh lý rối loạn chuyển hóa mỡ máu hoặc tăng huyết áp có thể điều trị bằng cách dùng thuốc phòng ngừa, tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.
“Bệnh nhân tăng huyết áp có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 1,5-2 lần so với bình thường” - BS Ân khuyến cáo.
Tầm soát phòng ngừa nhồi máu cơ tim Tầm soát bệnh lý mạch vành có thể bằng các biện pháp xâm lấn hoặc không xâm lấn như khảo sát hình ảnh học MSCT mạch vành có cản quang để cho ra hình ảnh mạch vành có hẹp hay không, thực hiện các test gắng sức (điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức)... BS NGUYỄN ĐỖ ANH, Trưởng Khoa tim mạch can thiệp
(PLO)- Khi vào đến bệnh viện cấp cứu, người phụ nữ lâm vào tình trạng tím tái, ngưng tim và tiếp tục ngưng tim lần 2 trên đường chuyển viện.
|