Dự án PPP: Cần minh bạch, bỏ ‘sân trước, sân sau’

Dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một luật mới được kỳ họp thứ 9 thảo luận lần hai và dự kiến sẽ thông qua vào cuối kỳ họp. Ngày 28-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu (ĐB) về dự luật này. Trong số 21 vấn đề được giải trình, tiếp thu, đáng chú ý là vấn đề kiểm toán và chia sẻ rủi ro trong dự án PPP.

Có cần kiểm toán dự án PPP

Trong 21 ý kiến phát biểu và tranh luận, đa số ý kiến đồng tình cần phải kiểm toán dự án PPP để xác định được giá trị dự án, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước và nhà đầu tư. ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nói dự án PPP là đầu tư công, còn phương thức là PPP. Luật Đầu tư và Luật Kiểm toán đều quy định rõ là phải “kiểm toán những phần tài chính công của Nhà nước đầu tư vào”. ĐB Hạ đồng ý với nhiều ĐB về việc “phải có kiểm toán nhưng mà kiểm toán ở phần ngân sách nhà nước”.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) cho rằng: Dự án PPP do Nhà nước phê duyệt chủ trương đầu tư, bản chất dự án PPP là đầu tư công. Các chi phí của dự án, vận hành kinh doanh liên quan đến thời gian bàn giao tài sản cho Nhà nước sở hữu.

“Mặc dù vốn toàn bộ của tư nhân nhưng tất cả chi phí đầu tư, vận hành kinh doanh của nhà đầu tư đều liên quan đến giá trị tài sản nhà nước. Cho nên tôi đề nghị việc này phải kiểm toán, coi đây là một dự án nhà nước và kiểm toán toàn bộ 100% dự án PPP” - ĐB Bình nói.

ĐB Phạm Quang Dũng (Nam Định), một trong những chủ doanh nghiệp có nhiều công trình BOT, tranh luận: “PPP thực hiện bằng hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký với doanh nghiệp tư nhân hay tư nhân thông qua đấu thầu. Hợp đồng ở đây thể hiện thuận mua vừa bán, mà Nhà nước thì tổ chức đấu thầu để lựa chọn giá hợp lý và giá đúng trên thị trường để mua của tư nhân”.

Theo ĐB Dũng, thất thoát tài sản nhà nước là từ khâu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, khâu chuẩn bị đầu tư giá cả và đấu thầu không minh bạch. "Tình trạng “sân trước, sân sau”, nhà đầu tư nọ, nhà đầu tư kia và nó thất thoát từ đây. Nếu kiểm toán quá trình này thật chặt chẽ, khắt khe thì sẽ hạn chế được việc thất thoát vốn nhà nước”, ĐB Dũng nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì cho rằng khi đã hạ bút ký kết thì Nhà nước và đối tác tư là bình đẳng nhưng quá trình thỏa thuận thì quyền vượt trội là Nhà nước. Bởi vì Nhà nước là bên đặt hàng, đưa ra các yêu cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, đưa ra các quy trình.

“Kiểm toán Nhà nước với tư cách là một cơ quan bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ sự khách quan giữa các bên phải có quyền tham gia từ giai đoạn đầu” - ĐB Vân nói và khẳng định khi có tranh chấp xảy ra thì có thể bằng con đường tố tụng ở tòa án.

Để bảo đảm sự ngang bằng, ĐB Vân cho rằng: “Nếu như Nhà nước có quyền yêu cầu kiểm toán, kiểm toán giá trị hợp đồng thì tư nhân cũng có quyền yêu cầu kiểm toán độc lập để kiểm toán hợp đồng và tranh chấp nếu xảy ra thì giải quyết bằng con đường tố tụng, như vậy mới bảo đảm được bình đẳng”.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến phải có kiểm toán phần ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Chia sẻ rủi ro phải do lỗi Nhà nước?

“Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu”, hay còn gọi là chia sẻ rủi ro, cũng được các ĐB đề cập.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Nhiều ý kiến nhất trí cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, tuy nhiên đề nghị quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ. Quy định rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào và rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu, làm rõ cơ sở xác định mức chia sẻ rủi ro 50%, 75%.

Một số ý kiến đề nghị chỉ thực hiện chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp PPP thua lỗ, mất vốn. Đề nghị quy định rõ hơn về cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia.

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Nếu không khéo thì cơ chế này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đầu tư dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.

“Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước” - ông Vũ Hồng Thanh trình bày.

Trong hai phương án được đưa ra để Quốc hội xem xét, quyết định, phương án 2 xác định lỗ, lãi chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ như: Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, dự án bị lỗi phải do quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh nghiệp dự án PPP bị thua lỗ. Đồng thời, đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP nhưng doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ.

Trước nhiều ý kiến ĐB về vấn đề chia sẻ rủi ro, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình: “Đây là một cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của bộ luật này, có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư”.

Theo Bộ trưởng Dũng, cơ chế này đã được nghiên cứu và thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm phản ánh và kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp.

“Nếu kiểm soát qua doanh thu thì sẽ thuận lợi hơn. Nếu kiểm soát bằng lỗ, lãi thì rất khó vì không thể kiểm soát được quá trình hoạt động và lỗ, lãi của doanh nghiệp” - Bộ trưởng Dũng nói và kiến nghị Quốc hội quyết phương án chia sẻ rủi do qua doanh thu.

Dự án giảm doanh thu dưới 75% mới chia sẻ

Nếu dự án PPP giảm doanh thu dưới 75% thì Nhà nước mới phải chia sẻ và trước khi chia sẻ thì phải thực hiện điều chỉnh các hợp đồng. Nếu không được thì dưới 75% Nhà nước mới chia sẻ theo tỉ lệ 50-50. Còn dự án PPP tăng doanh thu trên 125% thì chủ đầu tư cũng chia 50-50 với Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm