Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐB, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay vì có một số ý kiến đề nghị không quy định nhà máy điện là một trong các lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP nên UB Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội quyết định.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói UB Thường vụ đề nghị Quốc hội cho phép đầu tư nhà máy điện theo phương thức PPP, trừ thủy điện. Ảnh: QH
Một là, thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp Nghị quyết số 55/2020 của Bộ Chính trị. Thực tế hiện nay có nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo phương thức PPP.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay có tổng số 18 hợp đồng BOT nhiệt điện với tổng vốn đầu tư khoảng 36,798 tỉ USD tương đương khoảng 857.209 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự phòng. Trong đó, 4 dự án đã được đưa vào vận hành, khai thác (phát điện), 14 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư.
Đối với nhà máy thủy điện, dù không được khuyến khích vì tác động đến tài nguyên, dân sinh nhưng cũng thu hút được đầu tư tư nhân thuần túy qua mô hình IPP (nhà máy điện độc lập) mà không cần áp dụng phương thức PPP.
Thủy điện hiện được khai thác nhiều, nếu tiếp tục khai thác thì có thể mất cân đối. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện sẽ bị ảnh hưởng về tính thời vụ của loại điện năng này.
“Do vậy, cần giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với các nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện)”- ông Thanh nêu.
Hai là, không thông qua hình thức PPP để đầu tư lĩnh vực “nhà máy điện” vì doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư trọn gói.
Tuy vậy, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 1.
Về lĩnh vực truyền tải điện, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về lĩnh vực đầu tư dự án PPP đối với hệ thống truyền tải điện để thống nhất với quy định của Luật Điện lực, vì cho rằng truyền tải điện là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước.
UB Thường vụ Quốc hội tiếp thu, sửa đổi ý kiến này. Theo đó, đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
“Do đó việc cho phép đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực lưới điện không trái với quy định độc quyền của Nhà nước tại Luật Điện lực”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Báo cáo tiếp thu, giải trình của UB Thường vụ Quốc hội cũng cho hay, thông qua phương thức đầu tư PPP, Nhà nước duy trì kiểm soát về mục đích sử dụng và quản lý vận hành hệ thống lưới điện theo cơ chế hợp đồng.
Nội dung này là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về: “Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước”.