Ngày 11-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và yêu cầu thay đổi tư duy về PPP.
Luật phải bảo vệ nhà đầu tư
Thủ tướng nói: “Tất cả nhà đầu tư (NĐT) đều hỏi “Các ông muốn chúng tôi đầu tư, vậy có luật pháp gì không?”. Các NĐT họ tin luật, không tin nghị định. Phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho NĐT”.
Thủ tướng cho rằng trong một số lĩnh vực, vai trò của tư nhân phải cao hơn trong một số lĩnh vực không cần thiết đầu tư công. “Tôi đi các địa phương, người dân bức xúc về thiếu vốn đầu tư, công trình, dự án từ to đến nhỏ. Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nguồn lực trong dân còn rất lớn nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. “Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được. Vì vậy Luật PPP ra đời là rất cấp bách” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng hiện nay do pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc nên NĐT chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam. “Thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được” - Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cho hay là các lĩnh vực đều phải mở ra cho PPP trừ những lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, an ninh, quốc phòng.
Lấy ví dụ về ngành điện, Thủ tướng nói có quan điểm là “Nhà nước độc quyền truyền tải điện” nhưng Nhà nước không cần độc quyền đầu tư truyền tải. Cần phải để cho nhiều người muốn làm truyền tải điện, rồi Nhà nước khấu hao, trả lại vốn cho NĐT. “Nhà nước độc quyền cả đầu tư thì làm sao được. EVN không có tiền, vay quá hạn mức rồi”, Thủ tướng nói và lưu ý cần phải hiểu tính đa dạng, phong phú của thị trường, gắn việc này với phân cấp, giao quyền trong đầu tư PPP.
Theo Thủ tướng, Nhà nước chỉ cần quyết định danh mục rồi giao lại cho các tỉnh tự quyết định. Chính phủ không nên ôm dự án, công trình từ A đến Z, mà chỉ khuyến cáo, quy định những nguyên tắc. Làm sao để NĐT thấy thị trường tốt thì đầu tư, Nhà nước không cần bảo lãnh… Đầu tư PPP vừa phải tiết kiệm nguồn lực, vừa phải minh bạch, công khai để phòng, chống tham nhũng nhằm đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Ảnh: TTXVN
Dịch vụ công tốt nhất cho người dân
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng như nhiều ĐB khác cho rằng: Ban hành Luật PPP là cần thiết để người dân có sản phẩm dịch vụ công tốt nhất. Ông Cường cho rằng luật cần phải quy định rõ loại dự án được thực hiện theo hình thức PPP, tránh tình trạng lẫn lộn giữa các hình thức đầu tư. “Các nhà đầu tư phải biết đầy đủ thông tin để khi vào đầu tư sẽ nhắc kỹ xem dự án có nên tham gia và phù hợp với năng lực của mình hay không. Nhà nước cần phải có trách nhiệm đưa ra được thiết kế của dự án chi tiết và chính xác vì đây cũng là dự án đầu tư công chứ không phải dự án đầu tư tư” - ông Cường nói.
Ông cũng cho là tránh tình trạng có nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP nhưng khi kiểm toán lại thì giá trị đầu tư lại không đúng như dự toán ban đầu.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề cao tính minh bạch để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Theo ông, các NĐT chiến lược cần những quy định ngay trong luật chứ họ không muốn quy định ở tầm nghị định hay thông tư.
ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Bộ trưởng Bộ GTVT, nói PPP vừa qua được bộ này đẩy mạnh nhưng mới chỉ thu hút các NĐT nội địa mà chưa có các NĐT nước ngoài tham gia các dự án lớn. “NĐT nước ngoài mang tiền vào đầu tư với mục đích là kiếm lợi nhuận, nếu không họ sẽ không chi tiền” - Bộ trưởng Thể nói và đề cập tới vòng đời dự án PPP có thể kéo dài tới 20 năm, có thể bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Ông Thể cho đó cũng là một trong những điểm mà NĐT quan tâm khi tính toán lỗ, lãi.
Ông Thể cho hay các NĐT nước ngoài quan tâm đến cơ chế bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro; bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ để họ mang lợi nhuận về nước và vấn đề tỉ giá và ông tin là khi ban hành Luật PPP sẽ thu hút được NĐT nước ngoài, đặc biệt vào giao thông.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sau khi “giải trình” tại tổ thì “chốt” lại rằng cốt lõi là chúng ta có rất nhiều quyền nhưng NĐT có một quyền là quyết định bỏ tiền đầu tư hay không. Luật này phải thiết kế được các quy định bình đẳng, hấp dẫn và đảm bảo an toàn, ổn định để NĐT sẵn sàng bỏ tiền, yên tâm làm ăn… “Nếu cái gì cũng có lợi cho Nhà nước, cái gì cũng chặt chẽ thì NĐT khó có thể tham gia, yên tâm đầu tư và mục tiêu xã hội hóa, thu hút tư nhân tham gia các dự án lớn của đất nước khó đạt được” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31-1, có 336 dự án PPP đã ký kết, huy động được trên 1,6 triệu tỉ đồng đầu tư vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Trong đó, 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hợp đồng BT và tám dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác. Chính phủ cũng thừa nhận còn “một số tồn tại, bất cập” cả về tính minh bạch trong lựa chọn, lập, thẩm định dự án PPP cho đến sự lỏng lẻo trong công tác giám sát hợp đồng, bất cập về mức phí như ở các dự án BOT giao thông. |