Dự báo thời tiết dịp Tết Nguyên đán 2023

(PLO)- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong dịp tết mưa có khả năng xảy ra tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Chiều 9-1, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Khai thác và sử dụng thông tin dự báo cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ cộng đồng”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia) đưa ra dự báo về tình hình thời tiết, thiên tai dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo đó, có khả năng sẽ có một đợt không khí lạnh bổ sung vào khoảng từ ngày 15 đến 18-1 (tức từ 24-27 tháng Chạp).

“Trong dịp tết mưa có khả năng xảy ra tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Trước Tết, miền Bắc có khả năng xảy ra rét đậm, sau đó trời vẫn ở duy trì ở ngưỡng rét, vùng núi có rét đậm. Nền nhiệt trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Trên biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)” - ông Hưởng thông tin.

Chiều 9-1, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Khai thác và sử dụng thông tin dự báo cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ cộng đồng”. Ảnh: AH

Chiều 9-1, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Khai thác và sử dụng thông tin dự báo cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ cộng đồng”. Ảnh: AH

Cùng với không khí lạnh, mưa, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng cảnh báo về các đợt xâm nhập mặn, triều cường dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo đó, các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2,3-2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4-2023.

Từ nửa cuối tháng 1-2023 đến tháng 3-2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 05 đợt triều cường.

Đợt 1 từ 21 đến 26-1, đợt này triều cường rơi đúng vào ngày 30 Tết nên có thể ảnh hưởng đến việc du xuân của người dân.

Đợt 2 từ 7 đến 10-2, đợt 3 từ 19 đến 24-2, đợt 4 từ 9 đến 11-3, đợt 5 từ 20 đến 25-3. Độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,1m.

Tiếp tục nhận định về tình hình thời tiết, khí hậu năm 2023, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết La Nina còn duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%. Những tháng cuối năm 2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng.

Năm 2023, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.

Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Chưa có dấu hiệu mưa lớn lịch sử. Tuy nhiên, mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo, năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông nên đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết trong năm 2022 thiên tai gây thiệt hại khoảng 260 tỉ USD trên toàn thế giới năm 2022

Tại Việt Nam, nắng nóng trong năm 2022 xảy ra ít hơn hẳn so với năm 2021. Năm 2022, Việt Nam có 26 đợt mưa lớn. So với năm 2021, số đợt mưa lớn diện rộng trong năm 2022 ở Bắc Bộ xảy ra nhiều hơn, nhưng ngược lại ở Trung Bộ và Tây Nguyên, số đợt mưa lớn diện rộng lại ít hơn so với năm 2021. Ở Nam Bộ tương đương so với năm 2021. Các đợt không khí lạnh xâm nhập xuống nước ta cũng ít hơn so với trung bình nhiều năm.

Năm 2022, trên khu vực Biển Đông đã có 09 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, thấp hơn trung bình nhiều năm, mùa bão bắt đầu muộn và kết thúc sớm hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm