Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc bốn năm đại học, tôi muốn về Việt Nam nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”.
Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học lớp 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ: “Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 1980. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên...
Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà nhiều nơi cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Về làm gì hả con?”.
Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng có thể tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!”. Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.
Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”. Tôi có một cô bạn thân đang học ngành công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau bốn năm vất vả!”.
Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết tại Việt Nam mình sẽ không làm được”. Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình. Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa “apply” thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể”.
Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy.
Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau đi xây dựng đất nước. Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam mà chỉ nói: “Đừng về để giẫm vào đường cụt. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”.
Tôi nên ở hay về?
Theo ĐỖ THANH LAM (TTO)