Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi làm việc giữa TP Đà Nẵng và đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa ngày 9-6.
Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện Cục Đường sắt, Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn thiết kế đang hoàn thiện hồ sơ, lập quy hoạch chi tiết về diện tích, quy mô, công năng các công trình liên quan của ga hành khách và ga hàng hóa mới để trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các nội dung trên, cung cấp thông tin về phương án quy hoạch hành lang và nhà ga đường sắt mới. Hiện Ngân hàng Thế giới đã đồng ý hỗ trợ kỹ thuật để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến hoàn thành báo cáo trong tháng 9 này.
Đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc tại Đà Nẵng.
Theo đại diện Cục đường sắt Việt Nam, hiện Bộ GTVT và Đà Nẵng đã thống nhất phương án. Nhưng khó khăn nhất vẫn là phương án tài chính chưa xác định rõ ràng.
Ban đầu, Bộ chỉ đạo xã hội hóa dự án di dời nhà ga Đà Nẵng, giao cho các doanh nghiệp thực hiện theo phương án BT (xây dựng – chuyển giao) hoặc BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao). Nhưng hiện Đà Nẵng lại có sự hỗ trợ của WB (vay vốn) nên phương án tài chính vẫn đang được xem xét.
Kinh phí di dời ga Đà Nẵng lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: TT
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nguồn vốn ngân sách đang rất eo hẹp nên phải nghiên cứu để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia. Trong quá trình di dời, không nên xóa bỏ hết hệ thống đường sắt cũ mà nên có quy hoạch thành đường sắt đô thị để tránh lãng phí, tốn kém. “Thời gian qua, nhiều địa phương đã nóng vội trong việc tháo dỡ hệ thống đường sắt. Một thực tế đáng buồn là suốt bao năm qua, đường sắt Việt Nam chỉ có tháo dở đi chứ không xây dựng được thêm mét nào”. Ông Nghĩa lưu ý khi di dời ga thì không để lãng phí các ga Trung tâm hiện nay. “Chúng ta khai thác phần đường sắt, còn phần đất thì có thể làm Trung tâm thương mại” ông Nghĩa nói thêm.
Liên quan đến vấn đề xây dựng các tuyến đường theo hình thức BOT, dẫn đến nhiều trạm thu phí mọc lên, gây bức xúc trong nhân dân, ông Nghĩa nói: "Địa phương không nên cho làm BOT ở những tuyến đường độc đạo, dễ gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quyền đi lại của người dân" ông Nghĩa nói.