Mới đây, tại buổi họp báo về năm APEC 2017, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã đề cập đến một trong những cơ hội của Việt Nam từ sự kiện này.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh cơ hội về quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương cũng như đất nước và con người Việt Nam.
Cơ hội quảng bá cho du lịch Việt Nam là một cụm từ thường xuyên được nhắc tới trong những năm gần đây. Khi đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, khi biên độ giao thương và hợp tác được mở rộng tối đa, nhiều sự kiện ở tầm khu vực và quốc tế được chúng ta đăng cai tổ chức thì một trong những kỳ vọng lớn được đặt ra vẫn là du lịch.
Nền công nghiệp không khói này trong sáu tháng đầu năm 2016 đã đem lại cho đất nước ta 200.339 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng của du lịch Việt. Trong du lịch, những yếu tố quan trọng để du khách tìm đến một điểm đến đó chính là vẻ đẹp và dịch vụ của nơi đó.
Vẻ đẹp của điểm đến có thể là những gì đã được thiên nhiên kiến tạo và có sẵn trong tự nhiên hoặc được con người cải tạo mà thành.
Tôi nghe không ít người Việt Nam đi du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới khẳng định Việt Nam không thua kém các nước về tiềm năng ở vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, dịch vụ và cách người ta khai thác du lịch và tạo ra các bối cảnh liền kề thì kém xa các nước khác.
Có những quốc gia không được thiên nhiên ưu đãi cho một tài nguyên du lịch kiểu “rừng vàng biển bạc” nhưng họ vẫn tạo ra được những sản phẩm du lịch chính bằng sự kiến tạo nhân tạo.
Bờ biển nhân tạo bên sông Seine là một trong những điểm đến như thế. Năm 2002, chính quyền Paris đã biến bờ sông Seine thành một thiên đường nhiệt đới nhân tạo. Sự kiện này kéo dài khoảng một tháng.
Trên bờ trái sông Seine, với chiều dài 800 m được trải cát trắng, du khách và người dân Paris có thể thư giãn, tắm nắng trên những chiếc ghế dài và được mát-xa miễn phí như ở một bãi biển tự nhiên. Ý nghĩ táo bạo này được cho là hình mẫu để nhiều quốc gia khác học theo.
Cũng như vậy, ở ngay thủ đô Seoul của Hàn Quốc du khách đến đây sẽ được thăm quan suối Cheonggyecheon. Trước đó, dòng suối đã từng bị vùi lấp để xây dựng cơ sở hạ tầng ngành vận tải nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế đang tăng cao giai đoạn hậu chiến tranh.
Dự án tiêu tốn 900 triệu USD này đầu tiên phải chịu nhiều lời chỉ trích từ công chúng. Tuy vậy, sau khi hoàn thành vào năm 2005, dòng suối này đã trở thành một địa điểm yêu thích của cả người dân thành phố và khách du lịch.
Nhiều địa phương ở nước ta, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng đã bắt đầu có những chuyển dịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Nhưng nổi bật nhất vẫn chỉ là sự xuất hiện của các phố đi bộ.
Nếu như Hà Nội vẫn có sẵn tiềm năng về các địa danh gắn với lịch sử với sự thâm trầm của thời gian thì TP.HCM lại có dấu ấn của một thành phố năng động. Sản phẩm du lịch ngoài việc phải gắn với lịch sử, đặc điểm riêng có của địa phương đó còn phải đánh trúng được tâm lý của du khách.
Ở nhiều địa phương sản phẩm du lịch vẫn chỉ là khoe cái mình có mà chưa đo đếm được sản phẩm đó có phải là cái du khách cần không. Thật đáng tiếc!