Du lịch trị liệu có thể tạo ra hàng chục tỉ USD cho Việt Nam

(PLO)- Du lịch trị liệu với hành trình tìm về chốn hoang sơ đang là xu hướng được dự báo sẽ bùng nổ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-9, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Tạp chí Du lịch TP.HCM tổ chức hội thảo "Du lịch trị liệu: Xu hướng trên thế giới và Việt Nam" nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM năm 2023.

Ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Panhou Resort và Whale Island Resort, cho biết các sản phẩm du lịch trị liệu hiện nay nghèo nàn chưa hấp dẫn thu hút khách trở lại. Sản phẩm du lịch trị liệu đề cao tính “ngắt kết nối” với công nghệ, quan tâm đến mật độ xây dựng thưa và sử dụng vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường như gỗ, đá, tre từ địa phương.

Ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Panhou Resort và Whale Island Resort phát biểu.

Ông Kiên Lê, Tổng Giám đốc Panhou Resort và Whale Island Resort phát biểu.

Ông Kiên đề xuất: Chúng ta cần tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ra quốc tế thông qua đẩy mạnh quảng cáo và truyền thông cũng như qua nhiều hình thức ngoại giao - văn hóa - thể thao - kinh tế. Đồng thời, tạo thêm nhiều sản phẩm đặc trưng riêng có dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có và văn hóa địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Thệ, Hiệu trưởng trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh, cũng nêu lên thực trạng: các khu du lịch trị liệu chưa phát huy yếu tố trị liệu xoa bóp, bấm huyệt được ứng dụng đơn thuần là thư giãn. Yếu tố trị liệu còn thấp, nhân lực chưa được đào tạo bài bản về y học cổ truyền và dược liệu chưa được quan tâm.

Trong khi đó, Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc hữu, rất thích hợp cho du lịch trị liệu. Việt Nam có nền y học cổ truyền có tuổi hàng ngàn năm với những giá trị ưu việt.

"Tôi kỳ vọng du lịch trị liệu có thể tạo ra doanh thu hàng chục tỉ USD." - ông Thệ kỳ vọng.

Tại hội thảo du lịch trị liệu, các chuyên gia nêu lên những xu hướng trên thế giới và đề xuất giải pháp để du lịch trị liệu phát triển hơn ở Việt Nam.

Tại hội thảo du lịch trị liệu, các chuyên gia nêu lên những xu hướng trên thế giới và đề xuất giải pháp để du lịch trị liệu phát triển hơn ở Việt Nam.

Mặt khác, ông Thệ cho rằng: Quan trọng nhất là hiện tại chúng ta chưa có trường đào tạo chuyên ngành về du lịch sức khỏe hay du lịch trị liệu, chưa có mã ngành đào tạo lĩnh vực này. Người học du lịch cần học thêm y học cổ truyền và ngược lại. Các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn từ 1 tháng đến 18 tháng. Để làm những việc này cần sự phối hợp giữa ngành du lịch, trường đại học đào tạo, trường y học cổ truyền.

Cùng ngày, tại hội thảo chuyên đề "Phát triển du lịch y tế Việt Nam - TP.HCM", ông DR. RAFI KOT, Nhà sáng tạo và CEO Family Medical Practice Việt Nam, cho biết Thái Lan thu hút khách du lịch y tế vì cơ sở hạ tầng y tế toàn diện trong đó, Bangkok là TP thu hút khách đến tham quan nhiều nhất trên thế giới.

Hội thảo chuyên đề "Phát triển du lịch y tế Việt Nam - TP.HCM".

Hội thảo chuyên đề "Phát triển du lịch y tế Việt Nam - TP.HCM".

Để theo kịp Thái Lan, ông DR. RAFI KOT cho rằng có một số yếu tố cần nghĩ đến là hệ thống y tế có kĩ năng nói tiếng Anh tốt; cải thiện dịch vụ và có kết nối với công ty bảo hiểm nước ngoài để có cơ chế cho bệnh nhân.

"Kiến thức của chúng ta có dịch vụ tốt, đánh bóng và hoàn thiện nó." - ông DR. RAFI KOT nói.

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ thông tin: Du lịch y tế ở Cần Thơ có tiềm năng, chủ yếu đón khách từ Campuchia sang khám chữa bệnh. Cần Thơ cần một trung tâm y tế chất lượng hơn thu hút nhiều khách du lịch từ Campuchia và khách các quốc gia khác như khách châu Âu.

Theo báo cáo năm 2022 của Grand View Research, du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness Tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỉ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới.

Các quốc gia đi đầu về mô hình này như: Nhật Bản với hình thức tắm onsen tạo nên thương hiệu, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga tại Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm