Thảo luận tổ về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhiều đại biểu (ĐB) nhận định dự luật chưa ngăn được người phạm tội chưa bị khởi tố thì đã bỏ trốn ra nước ngoài.
“Thời gian qua, có một số người đang trong quá trình bị các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý tin báo tố giác tội phạm nhưng họ đã bỏ trốn ra nước ngoài trước ngày bị khởi tố” - ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nói. Bà nhấn mạnh: “Đây là những trường hợp đáng lưu ý, dự luật phải điều chỉnh được”.
Bà phân tích: Trình tự thủ tục tạm hoãn xuất cảnh trong dự luật tốn nhiều thời gian. Trong khi thời đại 4.0 hoàn toàn có đủ điều kiện có thể thông báo tức thời đến các cơ quan có thẩm quyền hạn chế xuất cảnh đối với các đối tượng trên bằng điện thoại, điện tín hay biện pháp nghiệp vụ. “Cần phải luật hóa để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện ngay tại cửa khẩu. Nếu văn bản có thẩm quyền chưa tới nơi, đang gửi hỏa tốc theo đường công văn thì đối tượng đã trốn thoát ra khỏi biên giới” - bà Hoa nói.
Nêu trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Bùi Quang Huy (chủ Nhật Cường mobile), ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng với những trường hợp đã nằm trong chuyên án, diện điều tra thì phải có trinh sát nội ngoại tuyến, dự phòng trường hợp cấm xuất nhập cảnh với những đối tượng này. “Tại sao lại bỏ trốn và tại sao bỏ trốn được? Cần phải bổ sung vào luật để khắc phục tình trạng này” - ĐB Nhưỡng nói.
“Theo tôi, tất cả đối tượng liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra thì phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, cấm xuất cảnh, đề phòng họ bỏ trốn... Đây là sơ hở lớn, dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta” - ông nói.
Dẫn quy định về hạn chế xuất cảnh (Điều 28 dự luật), ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng Trịnh Xuân Thanh, Bùi Quang Huy bỏ trốn được vì họ đều chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác nhưng vụ việc thì rất nghiêm trọng. “Về mặt pháp lý là chưa có bất cứ quyết định gì nhưng thực tế, nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh thì chắc chắn sẽ trốn, gây ra rất nhiều hệ lụy” - ĐB Hiển nói.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung của dự luật được nhiều ĐB Quốc hội cho ý kiến là việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.
Tờ trình của Chính phủ nêu hai loại ý kiến (gắn với hai phương án trong dự thảo luật), trong đó loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định mang tính nguyên tắc chung cho cả đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Dạng ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể, tách bạch đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng dự luật nên quy định theo hướng nguyên tắc chung, theo hướng nộp lại cho cơ quan, tổ chức sau chuyến công tác có sử dụng hộ chiếu ngoại giao. “Theo phương án này thì luật đỡ dài chứ luật gì mà liệt kê từng chức danh được cấp hộ chiếu ngoại giao, không ổn lắm” - ông nói.
Đối với các trường hợp từ cấp thứ trưởng, chủ tịch UBND, HĐND cấp tỉnh…, theo ông thì ai có thân phận ngoại giao và đi nước ngoài với tư cách ngoại giao thì mình là ngoại giao, còn lại bình thường cán bộ, công chức, việc đi công vụ tức là giải quyết việc công. “Còn các trường hợp đi nước ngoài bình thường thì phải dùng hộ chiếu phổ thông, chẳng hạn anh đi nước ngoài để chữa bệnh, đi thăm con cái thì anh phải đi phổ thông, không có quyền sử dụng hộ chiếu ngoại giao” - Thứ trưởng Vương nêu.