Dự thảo Luật nhà giáo: Đã rút quy định chứng chỉ hành nghề

(PLO)- Dự thảo Luật Nhà giáo lần thứ 5 đã bỏ quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, sau nhiều ý kiến lo ngại sẽ tạo ra “giấy phép con”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo lần thứ 5 được hoàn thiện ngày 1-10-2024, dự kiến được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 21-10.

chứng chỉ hành nghề
Cô trò Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau khi tiếp thu các góp ý, Dự thảo Luật nhà giáo lần 5 đã được tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung nhằm bảo đảm tính khả thi, giải tỏa nhiều băn khoăn của dư luận xã hội.

Hiện dự thảo Luật Nhà giáo đã được rút gọn chỉ gồm 9 chương với 45 điều, bao gồm nhiều nội dung như: Vai trò của nhà giáo, nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo, chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, chức danh và chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, chính sách tiền lương và đãi ngộ đối với nhà giáo...

Điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Nhà giáo lần này là không còn quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Theo Bộ GD&ĐT, đây là nội dung mới, cần thận trọng nên sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Tại dự thảo Luật Nhà giáo công bố vào tháng 5-2024, quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo được quy định tại điều 15, điều 16 và điều 17. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được cấp cho nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày luật này có hiệu lực thi hành...

chung-chi-hanh-nghe-1.jpg
Một giờ học của cô trò Trường Mầm non Mai Vàng, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ bị thu hồi trong các trường hợp trong các trường hợp: nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.

Đề cập đến nội dung này tại thời điểm trên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng chứng chỉ hành nghề nhà giáo nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi được phân biệt với các nghề khác, phân biệt người đủ tư cách hành nghề dạy học với người tự nhận là “nhà giáo” nhưng không đảm bảo đạt chuẩn.

Luật Nhà giáo nói chung và chứng chỉ hành nghề nhà giáo đều không phải là công cụ để quản lý nhà giáo.

"Chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ giúp đảm bảo chất lượng giảng dạy, giáo dục, bởi người được cấp chứng chỉ này đã đảm bảo đạt chuẩn nhà giáo và phù hợp với nghề dạy học. Một nhà giáo cần đảm bảo ba yếu tố, gồm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Nhiều người chỉ có đủ hai yếu tố đầu và thiếu yếu tố còn lại nhưng vẫn tham gia giảng dạy. Do vậy, chứng chỉ hành nghề nhà giáo giúp đảm bảo được người nhà giáo có đầy đủ các yếu tố cần thiết, phù hợp với yêu cầu đặc thù của nghề” - ông Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều Bộ, ngành, địa phương, nhiều chuyên gia tại các hội thảo góp ý đề nghị ban soạn thảo cân nhắc vì cho rằng việc này có thể gây tốn kém, khó khăn trong tuyển dụng, tạo ra giấy phép con...

Hiện, chuẩn nghề nghiệp với giáo viên được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm