Tại tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự án Luật Nhà giáo diễn ra vào chiều 17-5, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển nhà giáo. Luật Nhà giáo và chứng chỉ hành nghề nhà giáo đều không phải là công cụ để quản lý nhà giáo.
Chứng chỉ hành nghề: Phù hợp với yêu cầu đặc thù của nghề
Trước đó, ngày 13-5, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chứng chỉ hành nghề nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.
Theo ông Đức, chứng chỉ hành nghề nhà giáo nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi được phân biệt với các nghề khác, phân biệt người đủ tư cách hành nghề dạy học với người tự nhận là “nhà giáo” nhưng không đảm bảo đạt chuẩn.
"Luật Nhà giáo nói chung và chứng chỉ hành nghề nhà giáo đều không phải là công cụ để quản lý nhà giáo.
Chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ giúp đảm bảo chất lượng giảng dạy, giáo dục, bởi người được cấp chứng chỉ này đã đảm bảo đạt chuẩn nhà giáo và phù hợp với nghề dạy học", ông Thưởng nêu rõ.
“Một nhà giáo cần đảm bảo ba yếu tố, gồm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy. Nhiều người chỉ có đủ hai yếu tố đầu và thiếu yếu tố còn lại nhưng vẫn tham gia giảng dạy.
Do vậy, chứng chỉ hành nghề nhà giáo giúp đảm bảo được người nhà giáo có đầy đủ các yếu tố cần thiết, phù hợp với yêu cầu đặc thù của nghề” - ông Đức nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, yêu cầu này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nghề nhà giáo.
Tập trung vào 2 nội dung chính
Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết việc xây dựng Luật Nhà giáo đã được đặt ra từ hơn 10 năm nay. Từ năm 2015, đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước xoay quanh những nội dung liên quan đến vấn đề này.
Đến năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã xác định việc xây dựng và hoàn thiện Luật Nhà giáo là một nhiệm vụ quan trọng của ngành.
“Luật Nhà giáo là một luật mới, phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng, phạm vi lớn, hướng đến đối tượng rộng. Trước đó, đã có hơn 200 văn bản liên quan đến nhà giáo được ban hành.
Bài toán đặt ra là làm sao để luật này không chồng chéo, sớm được ban hành và đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng mục tiêu của luật là phục vụ hơn một triệu đội ngũ giáo viên” - ông Thưởng nói.
Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau. Cùng với đó, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để phục vụ phân tích, đánh giá để phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.
“Bộ GD&ĐT xác định việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn từ 2021-2025” - ông Thưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến dư luận, chuyên gia, tập trung chủ yếu vào hai nội dung chính, gồm: chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và việc nghiên cứu nhóm đối tượng nhân sự giáo dục khác hoạt động trong cơ sở giáo dục (nhân viên thiết bị thí nghiệm, thư viện, giáo vụ, tư vấn học sinh…) có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà giáo hay không?
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; trong đó khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục.