Gần đây, dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra quy định cần có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong đó, cơ sở lý luận đã có. Về cơ sở thực tiễn, nhìn ra thế giới, nhiều nước đã có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.
Vào lúc này, Việt Nam quy định nhà giáo cần có giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ tác động như thế nào đến xã hội?
Dân số nước ta gần 100 triệu người. Giáo viên (GV) mầm non, THPT, CĐ, dạy nghề và ĐH là gần 1,5 triệu người. Đang yên đang lành, sau một đêm ngủ dậy, trong số 100 người thì 15 người phải lo để có chứng chỉ hành nghề. Chuyện không hề nhỏ!
Tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ hành nghề? Cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề? Sau bao nhiêu năm thì chứng chỉ hết hạn, muốn hành nghề phải làm gì để được cấp lại? Thời gian, công sức và tiền bạc để được cấp chứng chỉ hành nghề?… Chừng ấy câu hỏi tạo nên nỗi lo hữu hình và vô hình đối với những người đang công tác trong ngành giáo dục.
Mới đây, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là có bằng tốt nghiệp CĐ trở lên đối với GV mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT… đã tác động rất lớn đến đội ngũ GV.
Hàng chục ngàn GV hệ trung cấp đối với mầm non, hệ CĐ đối với GV tiểu học và THCS đang dạy học phải đi đào tạo lại. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực gần bốn năm, việc đào tạo lại GV chưa đạt chuẩn vẫn chưa xong, cần thêm nhiều năm nữa.
Cái đáng suy ngẫm ở đây là chất lượng đào tạo lại như thế nào, trình độ GV có được nâng lên đáng kể như kỳ vọng không? Thời gian, công sức và tiền của người học phải bỏ ra có tương xứng hay không?
Chứng chỉ hành nghề nhà giáo nếu chỉ áp dụng cho những GV mới ra trường (năm 2023) và sẽ ra trường từ năm 2024 thì tác động sẽ ít đi đáng kể.
Nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề - nỗi lo này không của riêng ai!