Đưa cố Thủ tướng Phan Văn Khải về Hội trường Thống Nhất

Tối 19-3, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đưa từ quê nhà ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi về Hội trường Thống Nhất để tổ chức lễ tang cấp quốc gia, diễn ra vào sáng nay (20-3).

Dân cúi đầu hướng về đoàn xe di quan

Trên đường đoàn xe di chuyển, nhiều người dân cúi đầu cung kính hướng về chiếc xe chở linh cữu cố Thủ tướng. Người dân dọc trục đường di quan đã quét dọn đường, treo cờ để tiễn ông.

Từ chiều 19-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Chính phủ đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở xã Tân Thông Hội. Thủ tướng thắp hương, thăm hỏi, chia buồn cùng gia quyến. Sau đó, Thủ tướng cùng đoàn di quan đưa linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải về Hội trường Thống Nhất.

Trước đó, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP.HCM cũng có mặt chuẩn bị cho việc di quan.

Trước giờ di quan, lối vào nhà cố Thủ tướng có hàng trăm người dân tới xếp hàng viếng. Họ là hàng xóm, người dân Củ Chi và cả những người cách hàng trăm cây số đến thắp nén hương cho người mà họ yêu quý, kính trọng. Trong đó rất nhiều người dắt tay con cháu cùng đi.

Bà Nguyễn Thị Tám (73 tuổi, ngụ xã Tân Thông Hội) ngày nào cũng có mặt ở lễ tang cố Thủ tướng tại nhà riêng. Trước giờ di quan, bà vội ghé qua để tiễn bác Khải một đoạn đường. “Bác sinh ra ở đây, mất cũng ở đây. Khi còn sống bác quá tốt với người dân Củ Chi. Bà con ở đây mang ơn bác rất nhiều. Nay đưa bác đi, làm sao có thể không ra tiễn bác được” - bà chia sẻ.

Bà Tám cho biết ba ngày lễ tang được tổ chức tại nhà riêng của cố Thủ tướng, bà con được đến viếng bác mỗi ngày đã là hạnh phúc, thỏa mãn. Nay đưa bác lên Hội trường Thống Nhất để làm lễ coi như là đưa bác về với nơi bác đã làm việc và cống hiến đời mình; coi như là đến đó để nói lời chào cuối cùng với toàn dân trước khi bác về lại quê nhà an nghỉ. Bà xúc động: “Hôm nay, tôi mang tâm thế tiễn bác ra đi là để đón bác trở về nằm lại quê cha đất tổ. Cảm xúc khó tả vô cùng”.

Hàng trăm người đứng chờ tiễn đoàn xe chở linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải về Hội trường Thống Nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG

Còn anh Nguyễn Thanh Phong (chủ tiệm tóc Thanh Phong, nơi bác Sáu Khải thường ghé cắt tóc) lặng lẽ chở con gái đến đứng nép ở một góc đường khi trời đã tối. “2 giờ sáng 17-3, anh cận vệ của bác có gọi điện thoại cho tôi. Còn có người chạy qua đập cửa. Nhưng hôm đó tôi đi đám về muộn nên không biết. Sáng dậy mới biết bác đi rồi. Giá như hôm đó tôi biết để nghe máy, biết đâu được gặp bác lần cuối. Nay tôi đưa con gái qua chào bác, tiễn bác đi” - anh Phong cúi đầu.

Câu chuyện lần đầu tiên bác Khải tới tiệm anh vẫn còn nhớ như in: “Hôm đó là buổi sáng, lúc đó tôi còn chưa mở cửa. Ông chú ở dưới nhà bác gọi điện thoại nói: “Có bác Sáu đến cắt tóc, Phong ráng dọn sạch sẽ bác đến”. Tiệm tôi nhỏ xíu, đâu nghĩ có ngày được đón bác Sáu, tôi vừa mừng vừa run. Khi bác đến, thấy mình run quá, bác nói: “Con cứ cắt tóc bình thường cho bác như mọi người thôi”. Thấy bác quá gần gũi, mình đỡ run. Bác nói cắt xanh (cắt tóc ngắn) cho bác”.

Tấm ảnh chụp bác ngày nào vẫn được treo trang trọng trong tiệm hớt tóc. Nhưng vị khách quen thuộc của tiệm đã đi rồi.

Từ Vũng Tàu, Bình Phước cũng lên tiễn bác Khải

Cũng đến tối muộn, chị Bé (xã Tân Thông Hội) cùng mẹ chồng mới lật đật chạy vội tới nhưng khi tới gần nhà bác Khải thì cứ chần chừ, đứng rón rén ở ngoài chẳng dám vào.

“Tôi đi vội quá quên mang theo áo khoác, sợ qua không kịp. Hai mẹ con chỉ muốn qua đưa bác đi một đoạn đường… Dân ở đây quý bác lắm” - chị nói.

Bà Trương Thị Thiện (61 tuổi, ngụ Bình Phước) bỏ hết công việc ở vụ thu hoạch điều để bắt xe đò, vượt 150 km lên Củ Chi, mong thắp cho bác một nén hương trước giờ di quan về Hội trường Thống Nhất.

“Mấy nay đang vụ thu hoạch điều, bận quá tôi chưa lên được. Nay tôi bỏ hết, gửi nhà nhờ hàng xóm trông giùm, rồi đi xe đò, đi từ 9 giờ sáng lên tới đây đã gần 3 giờ chiều” - bà nói và cho hay chỉ mới gặp bác Khải hai lần khi đến viếng đình Tân Thông nhưng quý bác vì gần gũi, giản dị nên nay dù đang bận nhiều việc nhưng ráng lên đây thắp nén hương tiễn đưa bác Khải.

Sau khi thắp hương, bà quay ra quán nước gần đó ngồi tạm. “Giờ tôi chờ di quan mới về. Muộn cũng đợi, để đưa bác đi một đoạn đường” - bà nói.

Hòa vào dòng người đưa tiễn, anh Tuấn (ngụ Vũng Tàu) nói: “Tôi đi từ 8 giờ sáng nhưng mãi đến 5 giờ chiều mới lên tới nhà bác. Trên đường đi nghe nói sắp đến giờ di quan, tôi càng lo lắng, may sao lên kịp. Chỉ mong được thắp cho bác nén hương và gửi bác bài thơ tôi tự làm để chia tay bác”. Anh Tuấn nghẹn ngào đọc bài thơ mình đã chuẩn bị, in sẵn trên mảnh giấy A4 thấm nhiều mồ hôi dọc đường đi.

Linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải quàn ở Hội trường Thống Nhất từ tối 19 đến 22-3.

Lễ viếng trong hai ngày 20-3 đến hết 21-3. Lễ truy điệu diễn ra lúc 7 giờ 30 ngày 22-3, an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Cùng thời gian này, tại Hà Nội, lễ viếng, lễ truy điệu cố Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong.

Trong hai ngày 20 và 21-3, cả nước thực hiện nghi thức quốc tang, các cơ quan, công sở trong cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ. Cờ rủ là quốc kỳ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay).

Các đoàn đến viếng tại địa điểm tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa đến viếng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm