Hai tiếng “ông già” thân thương là cách xưng hô thân thuộc mà ông Nguyễn Văn Hòa dành cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải, người mà ông Hòa xem như cha của mình. “Nói về “ông già” thì không có giấy bút nào tả hết được. Nói từ ngày này qua ngày khác cũng không hết đâu...”- ông Hòa rưng rưng mở đầu câu chuyện.
“Hòa ơi, con đã ăn gì chưa?”
Hễ cứ nhắc đến nguyên Thủ tướng, hay như cách gọi “ông Sáu Khải” thân thương với nhiều người là đôi mắt ông Hòa lại đỏ hoe.
Ông Hòa nói rằng bao năm được làm việc và phục vụ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông học được nhiều bài học về đối nhân xử thế, lối sống mộc mạc, chân tình từ ông Sáu Khải.
“Lần đầu tiên bắt đầu công việc đưa đón “ông già”, tôi bị khớp và lo lắng nhiều lắm. Ngồi trên xe mình là thủ tướng mà, sao không run cho được” - ông Hòa kể.
Nhưng lúc đó vị thủ tướng ngồi phía sau đã vỗ nhẹ vào vai ông Hòa: “Hòa ơi, hôm nay chú mới được ngồi chung xe với con. Chú biết con phục vụ thím nhiều rồi, cứ vậy mà đi thôi nghe con”. “Ông già” nói vậy đó, bỗng chốc bao nỗi sợ sệt, lo lắng hay căng thẳng trước đó đều đi đâu hết” - ông Hòa hồi tưởng.
Trước đó, ông Hòa đã có ba năm phục vụ cho gia đình ông Sáu Khải. Đến năm 1997, ông được tổ chức phân công làm lái xe chính cho Thủ tướng. 10 năm, ông Hòa như một thành viên trong gia đình của ông Sáu Khải. Mọi nếp sinh hoạt, thói quen ăn uống hay cả sở thích của ông, ông Hòa đều thuộc nằm lòng.
Ông Hòa tâm sự: Cách sống của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn là điểm mà ông trân quý nhất. Với cấp dưới của mình, ông Sáu Khải luôn dành sự quan tâm và hỏi han tận tình từ những việc nhỏ.
“Hễ cứ bước lên xe, dù có những ngày “ông già” phải giải quyết nhiều công việc lắm, “ông già” vẫn chưa bao giờ quên hỏi: “Sáng nay cháu Hòa ăn gì rồi, con cái ở nhà có ốm đau bệnh tật gì không, nhà cửa ra sao, thu nhập của cháu dạo này ra sao rồi?...”” - ông Hòa nhớ lại.
Ông Hòa kể, khi ông Sáu Khải còn là phó thủ tướng, người lái xe cho ông là một người khác. Sau đó sức khỏe chú lái xe yếu đi, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương thấy cần phải đổi người mới đến ngỏ lời với ông Sáu Khải. “Các cháu lo cho chú Sáu Khải, vậy các cháu đã quan tâm đến chú lái xe hay chưa? Chú ấy bị bệnh gì, uống thuốc gì, điều trị ra sao?... Các chú muốn chú Sáu ngon lành thì cái anh phục vụ cho chú cũng phải ngon lành chứ. Khi nào bây lo cho chú ấy khỏe thì chú đồng ý đổi người khác”- ông Hòa nhớ lại. Sau lần đó, người lái xe được hỗ trợ đi điều trị bệnh.
Một lần khác, sau khi dự cuộc họp ở tỉnh, mọi người mời ông Sáu Khải xuống nhà ăn để dùng bữa. “Ông già” nhìn xung quanh thấy toàn lãnh đạo ngồi với nhau, anh em lính lác, cận vệ, thư ký không thấy đâu. Ông cứ đứng giữa nhà ăn mà nói lớn: “Lính lác của tui đâu cả rồi? Mấy đứa vào đây ăn với chú. Ngồi họp thì các con không vô được, còn ngồi ăn thì có các con chú ăn mới ngon miệng”” - ông Hòa kể.
Người lái xe Nguyễn Văn Hòa (trái) cùng “ông già” của mình trước hiên nhà. Ảnh: Tư liệu nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Văn Hòa (góc phải) chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải, người mặc bộ đồ bà ba. Ảnh: Tư liệu nhân vật cung cấp
“Đừng có trả giá với bà con bưng thúng bán mẹt”
Ngoài sự tận tụy, luôn dành lời hỏi han, quan tâm cấp dưới, ông Sáu Khải trong cảm nhận của ông Hòa còn là một người “sống cùng dân, thở cùng dân”.
Ông Hòa kể rằng trước mỗi chuyến đi tỉnh công tác, nguyên Thủ tướng luôn dặn ông nhớ mang theo vài cái phong bì sẵn trên xe. “Mai mình xuống đó, có những chiến hữu ngày xưa cùng ở trong rừng, rồi những người mẹ già yếu, những người mất sức... mình đến thăm họ một chút thôi. Sáu Khải không có nhiều tiền nhưng mình thăm họ để họ có thêm miếng thuốc, miếng cháo khi đau ốm chứ” - ông Hòa nhớ rõ từng lời ông Sáu Khải căn dặn.
Nguyên Thủ tướng còn dặn dò thêm: “Mà phong bì đó đừng có lấy phong bì của cơ quan. Phong bì đừng có tên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Khải là thủ tướng ai chả biết, lấy cái phong bì bình thường thôi, người dân nhìn vào sẽ thấy đây là phong bì của Sáu Khải có phải nghĩa tình hơn không. Sáu Khải tôi đi thăm bạn bè, đồng chí, những người đồng đội đi trước chứ không phải là thủ tướng đi thăm”.
Sau khi hoàn thành công tác, ông Sáu Khải đều có thói quen về thăm quê nhà. Mà cứ mỗi lần ông về quê là rộn ràng cả xóm, cả làng. Trên đường về đi ngang qua chợ, ông Sáu Khải lại nhờ ông Hòa dừng xe, ghé mua một vài thứ để về dùng cho bữa ăn. Có hôm ông nhờ ông Hòa ghé chợ mua mấy con vịt để gọi mấy ông hàng xóm sang uống tí rượu đế. “Mà chưa hết đâu, “ông già” còn kéo tôi lại dặn là đừng có trả giá với bà con làm gì. Dân người ta bưng thúng, bưng mẹt bán buôn ngoài lề đường thì còn khó khăn lắm, con đừng trả giá, họ nói bao nhiêu thì con cứ trả bấy nhiêu. Chỉ có “ông già” mới sâu sắc, nghĩa tình như vậy” - ông Hòa nói.
“Lấy dân làm gốc”, có lẽ đó là quan điểm rõ ràng của ông Sáu Khải trong những năm tháng còn đương nhiệm chức vụ thủ tướng. Việc gì của dân, không biết thì thôi, chứ biết là ông đều lắng nghe rồi để tâm. Như việc thỉnh thoảng ông Sáu Khải lại hỏi ông Hòa rằng: “Hòa ơi! Bà con có phê bình gì “ông già” không? Có ai phê bình hay góp ý gì ông Sáu Khải không hả Hòa?”.
Lời phê bình mà nhẹ như không
Ông Hòa nói rằng có một sở thích của ông Sáu Khải mà ít người biết đến: Ông mê xem đá bóng.
Ông Hòa bảo chắc vì ông Sáu Khải mê đá bóng quá nên mấy người đi theo như ông riết rồi cũng mê theo. Một lần vì mê coi đá bóng mà cả ông Hòa và người bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho ông Sáu Khải quên dọn cơm lên ăn. Thế là ông Sáu Khải bảo: “Đá bóng thì cũng hay quá nhưng trong cái bụng cũng có banh đá qua đá lại nãy giờ. Cháu Hòa với cháu Cường (bác sĩ), hai đứa dở ẹc”.
“Đó, “ông già” nói nhẹ nhàng vậy đó, vừa trách mình 8 giờ tối rồi mà còn chưa dọn cơm cho ông ăn. “ông già” phê bình nhưng mình lại thấy vui rồi sửa sai chứ không có nặng nề, lo lắng gì hết” - ông Hòa tâm sự.
Rồi một lần trên đường về Củ Chi, ông Hòa chạy nhầm đường vì lần trở lại đó Củ Chi thay da đổi thịt quá nhiều. “Tài xế đi nhầm đường thường bị cấp trên nhắc nhở, có khi còn bị kỷ luật nữa. Còn “ông già” thì cười, bảo là: “Ừa, Hòa đi nhầm đường rồi đó à! Thôi để đó chú chỉ, Củ Chi là quê hương của chú mà”. Vậy mà “ông già” chỉ một hồi sao cũng nhầm đường, thế là “ông già” cười lớn, bảo thôi đi kiếm đường khác. Có lãnh đạo nào như ông không chứ!” - ông Hòa xúc động.
"Dân còn đến với mình thì mình mới làm được thủ tướng" Thói quen của “ông già” mỗi lần đi xuống tỉnh là xuống nhà người dân trước. “ông già” ngồi với dân, nghe dân nói cái gì, kiến nghị gì rồi mới vào nghe lãnh đạo báo cáo. “Luôn luôn là “ông già” phải nghe dân nói, gần gũi với dân, sống cùng dân, thở cùng dân” - ông Hòa tâm sự. Rồi những lần khác, khi người dân biết có “ông già” xuống, cố chen vào để gặp ông thì bị cận vệ ngăn lại vì người quá đông. Lúc đó “ông già” lại bảo: “Các cháu đừng làm thế, để dân đến với chú. Dân còn đến với chú thì chú mới làm được thủ tướng”. Ước muốn cuối đời: Vườn cây ba miền Ông Hòa cho hay ước muốn cuối cùng của nguyên Thủ tướng là trồng được một khu vườn có tên gọi là “Vườn cây ba miền”. “Thấy ông đứng cắt tỉa hoa trong vườn, tôi đi đến hỏi thăm thì “ông già” bảo mong ước sẽ có thêm đất để trồng cây. 1 ha đất "ông già" trồng cây miền Bắc, 1 ha trồng cây miền Trung, 1 ha trồng cây miền Nam. Sau này "ông già" mất, dân ba miền cả nước về thăm Sáu Khải đều có cây của mỗi miền. Dân miền nào lên thăm cũng có cây của miền đó” - ông Hòa kể. |