Đưa Salbutamol vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt

Ông Đỗ Văn Đông, Cục phó Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trao đổi với báo chí ngày 23-3.

Ông Đông cho biết Luật dược năm 2005 quy định các thuốc phải kiểm soát đặc biệt chỉ bao gồm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ.

Hiện Salbutamol được dùng làm thuốc phục vụ cho công tác điều trị bệnh trong ngành y tế (nhưng cấm dùng trong chăn nuôi), không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, trước sự việc người dân sử dụng Salbutamol với mục đích tăng trọng nhanh và tạo nạc cho heo nên Bộ Y tế đề xuất đưa chất này vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, các thuốc danh mục cần kiểm soát đặc biệt thì sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

 “Nếu luật Dược sửa đổi được thông qua với quy định đưa salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng” - ông Đông khẳng định. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015, Bộ chỉ cấp phép cho nhập 3,5 tấn Salbutamol được dùng chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, viêm phế quản. Hiện nay Bộ Y tế đã có công văn về việc tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu này.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra đột xuất các đơn vị nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu Salbutamol và phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội) hoạt động kinh doanh nguyên liệu làm thuốc.

Cụ thể, Công ty Phương Đông đã nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol với số lượng thực tế nhiều hơn 200 kg so với số lượng được phê duyệt. Ngoài ra, công ty còn bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Ông Đông cho biết Cục Quản lý Dược xử lý nghiêm với Công ty Phương Đồng, đồng thời chuyển hồ sơ sang Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công An đề nghị điều tra, xử lý.

Lợi nhuận cao… nên bất chấp

Hiện nay, salbutamol đã bị cấm dùng trong chăn nuôi gia súc do các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng tình trạng dùng lậu chất này vẫn rất phổ biến. Có nhiều nghi vấn cho rằng do lợi nhuận từ việc bán salbutamol cao, nhập với giá 1,5 triệu đồng/kg nhưng giá bán tới tay người chăn nuôi lên đến 15 triệu đồng/kg, các doanh nghiệp nhập khẩu đã tuồn chất này ra bán cho người chăn nuôi để cho heo ăn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới