Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể tăng trong dịp tết Nguyên đán khi mà lượng thịt heo về TP tăng lên gấp 2,5 lần.
Theo ông Thảo, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 8 đến 22-1, Chi cục Thú y TP đã kiểm tra 117 lô và phát hiện 22 mẫu dương tính với các loại chất cấm trong chăn nuôi, chiếm 13,8%. Dự báo sẽ còn tăng trong dịp tết.
Theo ông Thảo, do hiện nay việc sử dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi đã có quy định xử phạt nên người chăn nuôi đang có hướng lách bằng sử dụng chất tạo nạc khác như dobutamine. Do đó cần có biện pháp ngăn chặn từ đầu, không nên để xảy ra vi phạm rồi mới xử phạt như hiện nay.
Đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành TP.HCM cho biết nhằm giám sát việc kinh doanh, sử dụng thực phẩm trên địa bàn, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2016, TP đã thành lập 405 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó có ba đoàn thanh tra liên ngành TP đã thanh tra bảy quận (1, 3, 5, 8, 11, 12 và Bình Tân) và sẽ tiếp tục thanh tra các quận, huyện còn lại. Từng sở, ngành của TP thành lập 44 đoàn thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra, các quận, huyện thành lập 39 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; khối phường, xã thành lập 319 đoàn kiểm tra lĩnh vực này.
Cũng theo đại diện ban chỉ đạo, từ các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về ATVSTP trong tháng cao điểm tết và lễ hội. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành xét nghiệm 154 mẫu, trong đó có 5,2% số mẫu không đạt an toàn. Trong số 1.975 cơ sở được thanh tra, kiểm tra có 602 cơ sở vi phạm, chiếm hơn 30%. Cơ quan chức năng đã xử phạt 179 cơ sở, đình chỉ ba cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với trên 1.835 kg thực phẩm các loại; số cơ sở còn lại vẫn đang được tiếp tục xử lý.
Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh thông tin trong dịp tết nguy cơ các chủng virus cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây truyền từ gia cầm sang người là hoàn toàn có thể. Trong năm 2015 và đầu năm 2016, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các chủng virus cúm gia cầm được ghi nhận gia tăng cả về số lượng ổ dịch và số quốc gia ghi nhận.
Theo đánh giá từ Cục Y tế dự phòng, ở Việt Nam tình hình dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục xuất hiện tại nhiều tỉnh, TP với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi hai chủng virus là chủng cúm A/H5N1 và chủng cúm A/H5N6.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tại các tỉnh, TP triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh để tổ chức cách ly, quản lý kịp thời.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trên chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch và nhân sự, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ.