Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 20-5 tổ chức một cuộc vận động tranh cử với cộng đồng người Thổ ở Sarajevo, thủ đô Bosnia và Herzegovina. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bầu cử quốc hội và tổng thống vào ngày 24-6 tới.
Ông Erdogan sang Bosnia và Herzegovina vận động tranh cử sau khi ba nước Liên minh châu Âu (EU) - Đức, Áo, Hà Lan, những nước có cộng đồng người Turk đông - tuyên bố không hoan nghênh các chính trị gia đến vận động tranh cử. Bosnia và Herzegovina không thuộc EU.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vận động tranh cử ở Sarajevo (Bosnia và Herzegovina) ngày 20-5. Ảnh: REUTERS
Có khoảng 6 triệu người Thổ sống ở nước ngoài, phần lớn ở Tây Âu. Từ năm 2014, nửa số này được trao quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng ở Đức có tới 3 triệu người Thổ sinh sống, trong có khoảng 1,4 triệu người được Thổ Nhĩ Kỳ trao quyền cử tri.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, có tới 59% lá phiếu của cộng đồng người Thổ ở nước ngoài ủng hộ trao thêm quyền lực cho ông Erdogan, trong khi đó tỉ lệ này trong nước là 51%.
Sự kiện vận động ở Bosnia và Herzegovina là cuộc vận động tranh cử duy nhất mà đảng Công lý và Phát triển của Erdogan tổ chức ở châu Âu trước cuộc bầu cử sắp tới.
“Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu lớn tự cho là cái nôi dân chủ đang cho thấy sự sa sút thì Bosnia và Herzegovina chứng tỏ mình dân chủ thực sự khi cho phép chúng ta có cơ hội tập trung tại đây” - ông Erdogan phát biểu trước hơn 12.000 người Thổ tại Sarajevo, kêu gọi người Thổ ở châu Âu ủng hộ mình và tham gia tích cực vào chính trường châu Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vận động tranh cử trước khoảng 12.000 người Thổ ở Sarajevo (Bosnia và Herzegovina) ngày 20-5. Ảnh: REUTERS
Hàng ngàn người Thổ từ Đức, Hà Lan, Áo đã kéo sang Sarajevo nghe ông Erdogan vận động tranh cử. Theo Al Jazeera, cuộc bầu cử sắp tới sẽ cho thấy thái độ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ với việc gia tăng thêm quyền lực cho tổng thống.
Chuyện các nước Tây Âu không cho phép các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đến nước mình vận động tranh cử không phải mới xảy ra. Trước cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về khả năng mở rộng quyền lực tổng thống năm 2017, hàng loạt bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đang bay sang các nước có đông cộng đồng người Thổ sống - Đức, Hà Lan - vận động ủng hộ thay đổi nhưng không thành. Đức và Hà Lan đã ngăn các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vào nước mình vận động tranh cử, nói là vì lo ngại an ninh.
Năm nay, đến tận tháng trước ông Erdogan vẫn còn lạc quan có thể tổ chức vận động tranh cử tổng thống ở một trong những nước này. Tuy nhiên, ba nước Đức, Hà Lan, Áo đã thẳng thừng tuyên bố cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động tranh cử trên đất nước mình.
“Lãnh đạo Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm nay cố lợi dụng cộng đồng người Thổ ở châu Âu” - Al Jazeera dẫn lời Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói hồi tháng 4. Ông Kurz chủ trương phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Người Thổ ủng hộ Tổng thống Erdogan ở Sarajevo (Bosnia và Herzegovina) ngày 20-5. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, việc Bosnia và Herzegovina cho phép ông Erdogan vận động tranh cử hứng nhiều chỉ trích ngay trong nước này. Theo truyền thông địa phương thì chính phủ Bosnia và Herzegovina không thông báo trước về sự kiện này. Một lượng lớn chính trị gia và người dân Bosnia và Herzegovina cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền mình.
“Nếu chúng ta đưa ra nguyên tắc rằng bất cứ ai cũng có thể tập hợp cổ động chính trị ở nước mình khi họ muốn thì chúng ta đang đánh mất chủ quyền" - nghị sĩ Sadik Ahmetovic chỉ trích.
Thêm nữa, nghị sĩ Dusankha Majkic lo ngại chuyện Bosnia và Herzegovina cho phép ông Erdogan vận động tranh cử sẽ là một rào cản trên con đường gia nhập EU của nước này, khi các nước EU đã từ chối ông Erdogan.
“Nó chỉ cho thấy chúng ta không trân trọng các giá trị của châu Âu” - theo nghị sĩ Majkic.