Đức đã trở thành một mắt xích yếu trong tuyến phòng thủ của NATO, sử gia người Đức Katja Hoyer nhận định trong bài viết trên báo Washington Post ngày 21-1.
Ngày 19-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng “có sự khác biệt trong nội bộ NATO về những gì các quốc gia sẵn sàng làm” liên quan đến Nga. Theo bà Hoyer, ông Biden đã đánh giá đúng.
Mỹ và Anh đều đã gửi vũ khí tới Ukraine nhưng cả hai đều không cam kết sẽ có hành động quân sự để ngăn cản Nga tấn công vào Ukraine. Đây sẽ là nhiệm vụ của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhưng chúng chỉ làm được khi đủ sức nặng. Điều không may là không thể trông chờ vào Đức khi tính chuyện trừng phạt với Nga, theo bà Hoyer.
Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gặp nhau ngày 20-1 tại Berlin trước khi tham dự các cuộc đàm phán về khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AP
Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga (sau Trung Quốc), phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu thô của Nga như dầu thô và khí đốt tự nhiên. Nếu Đức tiếp tục buôn bán với Nga thì dù các nước NATO khác có trừng phạt thì tác động cũng sẽ giảm đi nhiều. Phương Tây buộc phải leo thang can thiệp quân sự hoặc phải lùi lại, đồng nghĩa chấp nhận để Nga thắng thế về chuyện Ukraine.
Dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức thấp nguy hiểm do nước này đang loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Sự phụ thuộc sâu sắc của Đức vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga là điều không bàn cãi. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sau khi hoàn thành sẽ làm tăng thêm sự phụ thuộc của Đức vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn nhận ra tiềm năng chính trị từ việc này.
Phía Mỹ đã cố gắng xử lý điều này. Một số ý kiến cho rằng Mỹ có thể cung cấp cho Đức lối thoát khỏi góc khuất năng lượng - chính trị bằng cách tăng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà Mỹ cung cấp cho châu Âu. Tuy nhiên, lượng tăng của Mỹ không bao giờ có thể đủ để bù đắp lượng khí đốt hụt đi nếu Nga cắt cung cấp cho châu Âu.
Ngày 20-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc gặp với Thủ tướng mới của Đức Olaf Scholz tại Berlin. Trong cuộc gặp, ông Blinken đã cố tranh thủ Đức khi nói “trên thế giới, Mỹ không có đối tác nào, người bạn nào tốt hơn Đức”. Tuy nhiên, theo bà Hoyer, đó chỉ là bề ngoài ngoại giao, còn những căng thẳng đằng sau vẫn y nguyên.