Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 10-9 cho rằng có thể đối thoại về vấn đề hạt nhân Triều Tiên theo kiểu Iran và đề xuất để Đức tham gia vào đối thoại này trong tương lai. Theo bà, từ thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran có thể thấy được vai trò tích cực và hiệu quả của Đức cũng như châu Âu trong quá trình đối thoại.
“Nếu chúng tôi được mời đối thoại, tôi sẽ đồng ý ngay lập tức” – bà Merkel nói với báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung trong cuộc phỏng vấn công khai ngày 10-9 - “Tôi có thể hình dung thể thức sẽ được dùng để chấm dứt xung đột Triều Tiên. Châu Âu và đặc biệt là Đức có thể đóng vai trò rất tích cực trong tiến trình này”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói sẵn sàng nhận vai trò đối thoại với Triều Tiên nếu được đề nghị. Ảnh: AFP
Bất kể chỉ trích của Tổng thống Mỹ Trump, theo bà Merkel, thỏa thuận hạt nhân Iran là một thành quả lớn về ngoại giao khi Iran chấp nhận nhiều hạn chế trong chương trình hạt nhân, đảm bảo không sản xuất bom hạt nhân.
Tuy nhiên tình hình Triều Tiên lại khác, khi nước này được cho là đã sở hữu được bom hạt nhân và không sẵn sàng đối thoại. Cuối tuần rồi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà kỹ thuật hạt nhân tổ chức ăn mừng việc nước này thử thành công bom hạt nhân lần 6.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng hai nhà khoa học hạt nhân trong lễ ăn mừng thử thành công bom hạt nhân lần 6. Ảnh: KCNA
Theo Guardian, việc bà Merkel lên tiếng can thiệp vào vấn đề Triều Tiên cho thấy sự lo ngại của châu Âu ngày càng tăng quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lặp đi lặp lại các đe dọa quân sự với Triều Tiên, làm xấu hơn cuộc khủng hoảng này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tuần trước, chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên phải bị chặn trước khi nước này phát triển được tên lửa đạn đạo có thể tấn công các nước, tuy nhiên chiến tranh thì phải tránh bằng mọi giá.
Ngày 11-9 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp bỏ phiếu về một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên thử hạt nhân. Trong các biện pháp trừng phạt do Mỹ soạn thảo có điều khoản cấm vận dầu mỏ và kỹ thuật với Triều Tiên, các nước có quyền thanh sát tàu đi và đến Triều Tiên nếu nghi ngờ vi phạm trừng phạt. Trung Quốc và Nga nhiều khả năng sẽ phủ quyết.