Quan điểm của Trung Quốc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình một lần nữa được Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm ngày 6-9.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm kéo dài 45 phút hai lãnh đạo thống nhất sự nguy hiểm từ Triều Tiên, cam kết hợp tác vì mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nói với báo chí sau cuộc điện đàm với ông Tập, ông Trump cho biết: “Chủ tịch Tập sẽ làm gì đó. Chúng ta chờ xem ông ấy có thể làm gì hay không”.
Khi được hỏi về phương án quân sự với Triều Tiên, ông Trump lấp lửng: “Chắc chắn đó không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra”, cảnh cáo Mỹ sẽ không tiếp tục tha thứ cho hành động khiêu khích của Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 5-9, Tổng thống Trump tuyên bố lúc này không phải lúc đối thoại với Triều Tiên, mọi khả năng đều được để mở để bảo vệ Mỹ và đồng minh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại dịp hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Trump rằng Trung Quốc kiên định với mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và bảo vệ hệ thống không phát triển vũ khí hạt nhân quốc tế.
“Chúng tôi luôn luôn kiên trì bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Cần thiết phải duy trì con đường tiến tới một giải pháp hòa bình” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Trump rằng Mỹ lo ngại sâu sắc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đánh giá cao “vai trò quan trọng” của Trung Quốc trong giải quyết chuyện này.
Ông Tập nói Trung Quốc chờ mong chuyến thăm của ông Trump cuối năm nay. Lần điện đàm gần đây nhất của hai ông là vào ngày 12-8. Hai ông cũng hy vọng sẽ có một giải pháp hòa bình giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Mỹ và các đồng minh cho rằng tình hình này Trung Quốc cấp thiết phải tăng áp lực hơn nữa với Triều Tiên. Hiện Mỹ và Hàn Quốc đang yêu cầu LHQ trừng phạt nặng Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần thứ sáu ngày 3-9.
Trung Quốc trước giờ vẫn ưu tiên đối thoại, từng nói mình không phải là nước có trách nhiệm chính trong kiềm chế Triều Tiên, cho rằng trừng phạt không giải quyết được vấn đề.
Khả năng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không thể thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên khi không những Trung Quốc mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-9 cũng cho rằng trừng phạt không khiến Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, tên lửa.