Ngày 6-9 diễn ra một cuộc điều trần kín giữa hàng loạt quan chức an ninh và ngoại giao cấp cao chính phủ Trump với Quốc hội Mỹ về Triều Tiên. Cụ thể, các nhân vật tham gia cuộc điều trần này là Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford.
Reuters dẫn thông tin từ một số nghị sĩ Mỹ tham dự cuộc điều trần cho biết tại cuộc điều trần các quan chức này nhấn mạnh cần nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Triều Tiên. Họ bàn về các nỗ lực tham vấn với đồng minh, về trừng phạt, tăng vận động ngoại giao ở LHQ và cả các phương án quân sự.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau buổi điều trần kín trước Thượng viện ngày 6-9. Ảnh: REUTERS
Theo CNN, từ cuộc điều trần của các quan chức cấp cao này có thể nhìn thấy phác thảo chiến lược đối phó Triều Tiên của chính phủ Trump. Các nghị sĩ tham dự điều trần cho biết lời lẽ của các quan chức khác xa các tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump. Sau các vụ thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên, ông Trump liên tục có các tuyên bố hiếu chiến, đe dọa nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ”, không loại trừ tấn công hạt nhân.
“Chúng tôi cảm thấy chúng ta đang có hai chính sách khác hẳn nhau về Triều Tiên, một từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng và một từ các dòng trạng thái trên Twitter của tổng thống” - theo nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats (giữa) trước cuộc điều trần trước Hạ viện ngày 6-9. Ảnh: REUTERS
Theo các nghị sĩ này, các quan chức an ninh và ngoại giao đã có đánh giá tỉnh táo về các cách tiếp cận ngoại giao và quân sự với đe dọa Triều Tiên.
“Họ đều rất chuyên nghiệp, rất thận trọng trong lời nói và hiểu được tình hình hiện tại. Vì vậy không có sự quá trớn nào, chỉ là cố gắng giải quyết vấn đề” -nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện, nói với báo chí sau cuộc điều trần.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford (trái) sau cuộc điều trần ngày 6-9. Ảnh: REUTERS
Theo nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel, thành viên Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Hạ viện, từ cuộc điều trần có thể thấy chính phủ Trump thiên về khả năng thương lượng để đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên: “Thật sự chẳng có bất kỳ hăm dọa nào”.
Nhiều nghị sĩ cả hai đảng kêu gọi trừng phạt nặng hơn Triều Tiên, rằng Mỹ nên hợp tác chặt hơn với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật, thúc giục Trung Quốc hành động nhiều hơn, nỗ lực hơn nữa trong vận động ngoại giao tại LHQ. Nghị sĩ Cộng hòa Ed Royce vừa trở về từ Hàn Quốc cho rằng chiến lược tốt nhất sẽ là triển khai trừng phạt, tăng áp lực tài chính, không bỏ qua cho các thể chế tài chính giúp đỡ Triều Tiên.