Thụy Sĩ sẵn sàng hành động như một nước trung gian giúp giải quyết khủng hoảng Triều Tiên, Reuters dẫn lời Tổng thống nước này Doris Leuthard ngày 4-9.
“Tôi nghĩ đây thực sự là thời điểm cho đối thoại” – bà Leuthard nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berne của Thụy Sĩ – “Chúng tôi sẵn sàng nhận vai trò làm một nước trung gian. Tôi nghĩ tình hình những tuần tới phần nhiều sẽ tùy thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng này thế nào. Đó là lý do tôi nghĩ Thụy Sĩ và Thụy Điển có thể có vai trò phía sau chuyện này”.
Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard nói nước này sẵn sàng làm nhà trung gian giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Theo bà Leuthard, cùng với Thụy Điển, từ lâu Thụy Sĩ cũng được xem là là truyền thống trung lập và thận trọng về ngoại giao. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng có nhiều năm du học ở Thụy Sĩ. Thụy Điển là nước đại diện cho quyền lợi của Mỹ ở Triều Tiên.
Theo bà Leuthard, trừng phạt “đã không thay đổi được nhiều” trong thuyết phục Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí mà chỉ làm cho dân chúng Triều Tiên khốn khổ. Bà cho rằng “có thể các hành động của Triều Tiên cũng là một lời mời đối thoại”, và một phần của công việc trung gian sẽ là tìm một địa điểm thích hợp cho các quan chức – có thể là các ngoại trưởng các nước – gặp nhau.
Tuy nhiên bà Leythard cũng nói Trung Quốc và Mỹ phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, không để căng thẳng tăng quá mức kiểm soát.
Sau vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên, ngày 3-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cập nhật trạng thái lên án và đe dọa sẽ sử dụng mọi khả năng quân sự, không loại trừ cả tấn công hạt nhân nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa Mỹ và đồng minh.
Một ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân và có khả năng sẽ lại thử tiếp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Hàn Quốc nói sẽ bàn với Mỹ khả năng triển khai tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến bán đảo Triều Tiên.