Con rất mệt mỏi
“Con mệt lắm rồi! Sao mẹ cứ bắt ép con ra tiệm Internet giải toán trên mạng hoài vậy...?”. Đó là lời than vãn thật tội nghiệp của đứa cháu mà tôi nghe được khi ghé thăm hỏi chuyện học hành của cháu vào cuối năm học vừa qua.
Nguyên nhân cháu tôi than mệt và cho rằng mẹ cháu cứ bắt ép và hành cháu là do cô giáo chủ nhiệm thấy cháu học hành sáng dạ, giải bài tập rất nhanh, nhất là môn toán đố nên cô chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi toán khối lớp 1 trên mạng. Cô giáo nói với cha mẹ cháu là hằng tuần vài lần dẫn cháu ra tiệm Internet (nhà cháu không có máy tính) cho cháu lên mạng để giải toán đố với cô nhằm chuẩn bị tham gia kỳ thi. Vì thường xuyên bị cô giáo chủ nhiệm cũng như bị mẹ ép học nên cháu cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi và không ít lần phản đối như trên.
Vừa học vừa chơi là cách tốt nhất để học sinh đầu cấp tiểu học không bị áp lực học hành. Ảnh: HTD
Tôi kể ra câu chuyện này trong đầu năm học mới để góp ý ngành giáo dục nên cân nhắc lại chương trình giảng dạy sắp tới vì chắc rằng trường hợp của cháu tôi hiện nay không phải hiếm gặp.
Quan điểm là lứa tuổi của các cháu mới vừa học lớp 1, lớp 2 thì nên để vừa học vừa chơi, thậm chí nên chơi nhiều hơn học theo hướng tích cực nhất của việc chơi và học. Việc học hành nặng nề quá sẽ khiến cháu căng thẳng. Vả lại cháu mới vừa học lớp 1 thì chuyện thi học sinh giỏi chưa thể khẳng định được điều gì chắc chắn trong tương lai là cháu vẫn học giỏi. Tôi cho rằng nên bỏ và cấm các trường tiểu học tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi lớp 1, lớp 2... để giảm bớt áp lực cũng như những căng thẳng không đáng có cho các cháu.
NGUYỄN ĐƯỚC (136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM)
Hối hận vì tạo ra áp lực cho con
Cách nay hai năm, con tôi học lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú (TP.HCM). Do nhà có máy vi tính nên tôi cho cháu vô tư vào vọc Internet để làm quen. Gần hết học kỳ 1, cháu được cô giáo chủ nhiệm tạo một địa chỉ email để giải toán trên mạng nhằm chuẩn bị cho kỳ thi Violympic trên mạng của khối tiểu học do cháu học khá giỏi và biết lên mạng.
Vợ chồng tôi rất hào hứng khi thấy cháu thường xuyên lên mạng để giải các đề thi toán. Càng gần đến ngày thi, mẹ cháu càng ráo riết khảo bài cho con. Trước buổi sáng đi thi, mẹ còn dặn dò cháu rất nhiều điều để làm bài tốt hơn. Thi xong, cháu cho biết rất run sợ trước khi bước vào phòng thi và lúc kết thúc bài thi. Nguyên nhân cháu sợ thi không tốt thì các bạn trong lớp không chơi với cháu và sợ bị ba mẹ la.
Giờ nghĩ lại tôi rất hối hận. Với một đứa bé mới vào lớp 1 mà chịu áp lực như vậy là không hay chút nào. Sao chúng ta không tạo cho cháu cảm giác thoải mái hay cho cháu tham gia các trò chơi giải trí. Việc cho bé thi như vậy có phần phản giáo dục như có lần tôi đã được đọc trên sách báo.
Năm nay cháu đã vào lớp 3 và tôi quyết định không cho bé tham gia các cuộc thi mà thay vào đó là chương trình học bán trú nhưng thời gian hoạt động ngoại khóa, thể thao là chính. Thời gian gần đây bé bảo rất thích học theo dạng này. Những năm tới, tôi vẫn sẽ cố gắng cho bé vừa vận động vừa học chứ không phải suốt ngày phải vùi đầu vào sách vở như hồi bé mới vào lớp 1, lớp 2.
NGUYỄN VĂN (khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM)
Các cháu cần sân chơi thoải mái
Con tôi cũng vừa vào lớp 1, cháu rất hiếu động, hay táy máy. Đến bây giờ thì cháu mở mạng nghe nhạc Xuân Mai hay vào máy tính bảng để chơi một số trò chơi là chuyện quá dễ dàng. Tôi thấy nhiều cháu cũng có khả năng này. Tôi nghĩ các cháu rất giỏi, có thể làm được nhiều việc hơn chúng ta nghĩ. Do đó tôi cho rằng cứ tổ chức cho các cháu thi học sinh giỏi, thi văn nghệ... nhưng đừng quá nặng nề, đừng biến các cuộc thi trở thành bảng thành tích cho nhà trường, giáo viên. Chúng ta nên tổ chức làm sao những kỳ thi trở thành sân chơi thoải mái, nhẹ nhàng và đầy niềm vui, tiếng cười cho các cháu.
TRẦN THỊ NGỌC HƯƠNG (huongbc@...)