Ngày 11-5, Hội Răng Hàm Mặt (RHM) Việt Nam phối hợp với bệnh viện RHM Trung ương tổ chức hội nghị khoa học và đào tạo liên tục RHM lần thứ 5 tại TP Cần Thơ.
GS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội RHM Việt Nam, Giám đốc bệnh viện RHM Trung ương, cho biết hội nghị có 50 báo cáo khoa học kéo dài trong ba ngày (từ 11 đến 13-5), tập trung vào các vấn đề cấp thiết trong RHM gồm phẫu thuật tạo hình RHM, phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt, nắn chỉnh răng, cấy ghép răng, điều trị nội nha, nha khoa phục hồi và nha khoa dự phòng.
GS. Trịnh Đình Hải phát biểu khai mạc tại Hội nghị khoa học và đào tạo liên tục Răng Hàm Mặt lần thứ 5. Ảnh: N.NAM
Tại Hội nghị, TS Trần Cao Bính có báo cáo nhận xét tình trạng sâu răng trẻ em Việt Nam trong giai đoạn 2000-2015. Theo đó, điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc 1999-2000 của Viện RHM Hà Nội cho thấy tỉ lệ sâu răng sữa ở trẻ từ 6-8 tuổi là 84,9%, còn tỉ lệ sâu răng vĩnh viễn ở nhóm này là 25,4%. Đối với trẻ từ 9-11 tuổi, tỉ lệ sâu răng sữa là 56,3%, còn sâu răng vĩnh viễn chiếm 54,6%. Tỉ lệ này cho thấy có đến 60-80% trẻ bị sâu răng sữa và tỉ lệ sâu răng vĩnh viễn tăng theo tuổi.
Các nghiên cứu về tình trạng sâu răng của trẻ em những năm sau đó do nhiều cá nhân thực hiện cũng cho thấy tỉ lệ sâu răng sữa ở trẻ học tiểu học khá cao. Nghiên cứu của một nhóm tác giả năm 2011 đối với nhóm học sinh từ 4-8 tuổi tại 50 trường mẫu giáo, tiểu học trên 5 tỉnh thành của cả nước cho thấy, tỉ lệ sâu răng sữa trên 81%, sâu răng vĩnh viễn hơn 16%.
Từ những con số thống kê, TS. Bính kết luận, tỉ lệ sâu răng sữa ở trẻ em Việt Nam trong giai đoạn 2000-2015 là trên 50%, sâu răng vĩnh viễn tăng theo tuổi và tỉ lệ sâu răng của trẻ ở thành phố cao hơn nông thôn. Đồng thời khuyến cáo nên đưa chương trình nha học đường vào chương trình phòng bệnh quốc gia. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp phòng bệnh răng miệng hiệu quả như có sự cam kết của chính quyền và phối hợp tốt với ngành giáo dục, duy trì, củng cố chương trình Nha học đường, đa dạng hóa các hình thức sử dụng fluor, vẽ bản đồ fluor trong cả nước…