Theo đó, nghĩa vụ của Nhà nước là quản lý, quy hoạch, xây dựng (bằng nhiều hình thức) hệ thống đường sá/luồng lạch, bến bãi/bến cảng để tạo thuận lợi cho các chủ xe/tàu, thuyền khai thác, phục vụ hành khách.
Vì vậy, khi bến cảng Bạch Đằng phải đóng cửa để chỉnh trang cho phù hợp quy hoạch thì các chủ tàu, thuyền rất ủng hộ. Nhưng kèm theo đó, các chủ tàu, thuyền du lịch, nhà hàng bám bến Bạch Đằng nhiều năm qua cũng đề nghị chính quyền TP.HCM sắp xếp một bến tương tự, có thể đón khách tương đối thuận lợi là họ đem tàu đi ngay.
Nhưng đến thời điểm này, dù thời gian gia hạn đóng cửa bến Bạch Đằng sắp hết nhưng nguyện vọng chính đáng trên vẫn chưa được đáp ứng. Chính vì không có bến cảng khác thay thế hợp lý đã vô tình đẩy các loại tàu cánh ngầm, tàu du lịch, tàu nhà hàng rơi vào tình huống “thuyền không bến”, tất phải dừng hoạt động.
Ô tô nếu bị cấm nơi này sẽ dễ tìm bến mới để hoạt động nhưng tàu, thuyền du lịch ở bến Bạch Đằng có đặc thù riêng, phục vụ nhóm khách hàng cũng đặc thù hơn. Bến mới mà không hợp lý thì tàu, thuyền cũng hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa. Do đó, bố trí một bến tạm thay thế cho bến Bạch Đằng tạm đóng song vẫn thuận tiện cho người dân, du khách vẫn là câu hỏi khó đối với Sở GTVT, với UBND TP thì nói gì đến việc để các chủ tàu, thuyền tự tìm lấy bến.
Bến Bạch Đằng là nơi xuất phát của hầu hết tour du lịch đường sông có tiếng của TP.HCM, nay đột ngột ngưng hoạt động sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các DN, đến hàng trăm lao động trong các công ty ấy. Không những vậy, hệ quả còn tác động xấu đến kế hoạch phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM.
Các chủ tàu, thuyền tâm tư rằng trong lúc đất nước mở cửa, tạo điều kiện cho các DN ở nước ngoài nhảy vào, gây áp lực lớn họ đã phải tự thân vận động để tồn tại, phát triển. Thế nên trong bối cảnh khó khăn này đừng gây thêm sức ép dễ khiến DN trong nước “chết” trước khi DN nước ngoài nhảy vào.